Xem xét phát triển điện hạt nhân cỡ nhỏ, tăng công suất điện mặt trời

Đó là những phương án Bộ Công thương tính đến khi kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và các bên liên quan đề nghị tham gia ý kiến cho dự thảo báo cáo Thủ tướng về đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Báo cáo này được thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với chủ trương điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhằm phù hợp với một số mục tiêu thực tế.

Dự thảo nêu, nhu cầu phụ tải tại Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2025 được dự báo có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc đạt 9,08%.

Thực tế, 7 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đạt khoảng 13,7%, tăng cao đáng kể so với giai đoạn 2021-2023 - chỉ đạt chưa đến 5%. Nghĩa là, việc đạt tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 như dự báo trong Quy hoạch điện VIII là khó khả thi.

Do đó, Bộ Công thương cho rằng, cần thiết phải rà soát, cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội để chuẩn xác lại tình hình phát triển phụ tải, làm cơ sở để rà soát, định hướng lại tình hình phát triển nguồn và lưới điện trong giai đoạn tiếp theo.

Nguồn nhiệt điện than mới có tính khả thi không cao do khó thu xếp vốn. (Ảnh minh họa)

Nguồn nhiệt điện than mới có tính khả thi không cao do khó thu xếp vốn. (Ảnh minh họa)

Loạt nguồn điện lớn "mắc cạn"

Tại báo cáo này, Bộ Công thương cũng liệt kê chi tiết tiến độ của những nguồn điện lớn gồm điện khí, nhiệt điện than, năng lượng tái tạo…

Với nguồn điện sử dụng khí trong nước và khí hóa lỏng tự nhiên (LNG), quy hoạch đặt mục tiêu đạt tổng quy mô công suất đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, có 10 dự án sử dụng khí trong nước với tổng công suất 7.900 MW và sử dụng LNG là 22.524 MW, với 13 dự án.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới đưa vào vận hành một nhà máy là nhiệt điện Ô Môn I (660 MW - vận hành năm 2015). Còn một dự án đang xây dựng là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải.

Bộ Công thương nhận định, ngoại trừ dự án Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến vận hành vào tháng 5/2025, khả năng các dự án còn lại hoàn thành trước năm 2030 là khó khăn nếu không có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ những nút thắt quan trọng cho phát triển điện khí LNG (quy định sản lượng huy động tối thiểu, chuyển ngang giá khí sang giá điện...).

"Như vậy, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện", theo Bộ Công thương.

Đối với nguồn điện than, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 đạt tổng công suất lắp đặt là 30.127 MW, đến năm 2050 không sử dụng than cho phát điện. Tức là, từ nay đến năm 2030, nguồn nhiệt điện than cần đưa vào vận hành là 3.383 MW và sau năm 2030, không phát triển theo cam kết (do vòng đời dự án khoảng 20 năm).

Hiện có 5 dự án đang xây dựng, gồm: Na Dương II , An Khánh - Bắc Giang, Vũng Áng II - , Quảng Trạch I, Long Phú I.

Ngoài ra, còn 5 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn (với yêu cầu tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật), gồm: Công Thanh, Nam Định I , Quảng Trị, Vĩnh Tân III và Sông Hậu II.

Riêng dự án nhiệt điện Công Thanh đã được Thủ tướng đồng ý xem xét chủ trương nghiên cứu về việc chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG trong quá trình rà soát Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, còn dự án nhiệt điện Quảng Trị I đã chấm dứt đầu tư.

Bộ Công thương cho rằng, hiện các dự án nhiệt điện không nhận được sự đồng thuận của các địa phương cũng như các tổ chức tín dụng... Vì thế, nguồn nhiệt điện than mới có tính khả thi không cao.

Với nguồn điện gió, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 nguồn công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 21.880 MW và đến năm 2050 có tổng công suất lắp đặt từ 60.050-77.050 MW. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tổng công suất lắp đặt điện gió chỉ đạt 3.061 MW.

Do đó, rất khó khăn để đạt được quy mô công suất theo Quy hoạch điện VIII đã đề ra.

Trong khi đó, điện gió ngoài khơi chưa có dự án nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện dù mục tiêu đặt ra là khoảng 6.000 MW vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000-91.000 MW.

Cung ứng điện trong các năm 2025-2030 khó khăn

Trước thực tế trên, Bộ Công thương tính đến phương án tăng phát triển điện mặt trời và nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi.

Bộ này lập luận, Nghị quyết 55 năm 2020 đề ra quan điểm "Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước" với ưu điểm là chiếm ít nguồn tài nguyên đất, tận dụng mái của nhà dân, công sở, khu công nghiệp, khai thác triệt để không gian trống của các công trình sẵn có như đập thủy điện, hồ xử lý nước thải... tiết kiệm diện tích lắp đặt tấm pin mặt trời, tăng hiệu suất phát điện.

Lò phản ứng mô đun nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống. (Ảnh minh họa)

Lò phản ứng mô đun nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống. (Ảnh minh họa)

Do đó, theo Bộ Công thương, với tình hình hiện tại các nguồn điện lớn khó đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành đến năm 2030, thì trong ngắn hạn việc tăng quy mô phát triển các dự án điện mặt trời (có thời gian triển khai nhanh) để đáp ứng khả năng cung ứng điện trong thời gian tới là cần thiết.

Hiện, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công thương xây dựng dự thảo nghị định. Còn điện mặt trời nổi cũng đang được các bộ ngành đánh giá chi tiết.

Riêng với điện hạt nhân, Quy hoạch điện VIII chưa dự kiến phát triển các nguồn điện này tại Việt Nam, tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng: với lợi ích và điều kiện thuận lợi của năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ (công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng 1/3 công suất phát của các lò phản ứng điện hạt nhân truyền thống), cộng với việc nhiều nước trên thế giới đang triển khai nguồn điện này, thì việc Việt Nam nghiên cứu giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, bao gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai là có thể xem xét.

Từ những phân tích trên, Bộ Công thương khẳng định, nếu các nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt thì cung ứng điện trong các năm 2025-2030 hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào thời điểm cuối mùa khô và có nguy cơ thiếu hụt điện năng.

Do đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-qh-dien-viii-xem-xet-phat-trien-dien-hat-nhan-co-nho-tang-cong-suat-dien-mat-troi-192240905184801792.htm