Xem xét, quy định rõ mối quan hệ giữa Tòa án và hòa giải viên
Mặc dù hòa giải viên không thuộc biên chế của Tòa án nhưng việc bổ nhiệm hòa giải viên do Tòa án thực hiện. Do vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, quy định rõ mối quan hệ giữa Tòa án và hòa giải viên.
Sáng 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng)
Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi là dự thảo Luật). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 41 (tháng 01/2020). Sau đó, dự thảo Luật tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù hòa giải viên không thuộc biên chế của Tòa án nhưng việc bổ nhiệm hòa giải viên đều do Tòa án thực hiện. Do vậy, đề nghị dự thảo luật xem xét, quy định rõ mối quan hệ giữa Tòa án và hòa giải viên.
Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng cần mở rộng đối tượng được bổ nhiệm lại hòa giải viên để thu hút nhân lực làm công tác hòa giải, đối thoại đồng thời giảm được áp lực cho ngành Tòa án.Về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Tô Ái Vang (Sóc Trăng)... đề nghị mở rộng đối tượng được bổ nhiệm hòa giải viên như trợ giúp viên pháp lý, cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành luật đã nghỉ hưu, nhằm thu hút đông đảo lực lượng hòa giải viên, tổng hợp chất xám, kinh nghiệm năng lực, sở trường của các nhóm đối tượng này, góp phần giảm tải áp lực cho ngành Tòa án.
Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, nên cân nhắc đối tượng là luật sư không nhất thiết phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác như dự thảo luật, vì họ đã được đào tạo bài bản, đã được cọ xát trong quá tình tham gia tố tụng, tranh tụng trên nhiều lĩnh vực.
Theo đại biểu, thực tế, triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cho thấy, từ khi có luật đến nay, việc thu hút cộng tác viên trợ giúp pháp lý rất khó khăn. Một trong những lý do là bị ràng buộc về điều kiện bổ nhiệm nên có rất ít đối tượng tham gia; do đó đại biểu Tô Ái Vang đặt vấn đề, nên quy định đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên Viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên trước khi nghỉ hưu, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ công chức, viên chức có chuyên ngành luật đã nghỉ hưu; chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư nếu có đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm thành hòa giải viên.