Xem xét thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường ở TP Đà Nẵng
Quốc hội sẽ xem xét cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng không tổ chức HĐND quận, phường.
Sáng nay (24/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các ý kiến thống nhất đề nghị đổi tên thành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị để phát triển thành phố Đà Nẵng.
“Tâm nguyện để lại sản phẩm cho nhiệm kỳ sau phát triển”
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp Thành phố gồm HĐND và UBND) và 2 cấp hành chính (quận, phường không tổ chức HĐND).
Cụ thể, cơ cấu tổ chức HĐND thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Ngoài ra, khi không tổ chức HĐND ở quận, phường, để thực hiện vai trò giám sát của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố thành lập các Tổ đại biểu, Tổ trưởng, Tổ phó của Tổ đại biểu HĐND Thành phố tại các quận.
Tổ trưởng, Tổ phó của Tổ đại biểu HĐND Thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại các quận, phường. Tổ đại biểu HĐND Thành phố thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (CQĐP) tại quận, phường và các nhiệm vụ khác do HĐND Thành phố hoặc Thường trực HĐND Thành phố phân công trên địa bàn quận, phường.
Nhiệm vụ, quyền hạn HĐND Thành phố thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP và bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn từ HĐND ở quận, phường
Do không tổ chức HĐND cấp quận nên bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Chủ tịch UBND Thành phố được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ và cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, trừ trường hợp đối với huyện Hòa Vang được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức CQĐP.
Tương tự dự thảo bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Chủ tịch UBND quận được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ và cách chức Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường tại Đà Nẵng bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND quận, phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND quận, phường nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập.
Riêng đối với huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục duy trì một cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND huyện và xã.
Phát biểu tại phiên họp, dẫn nhiều đánh giá cho rằng cùng một cơ chế nhưng Đà Nẵng trong 20 năm qua đã có sự thay đổi tích cực, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói “đây là lời khen, song cũng nhắc nhở thế hệ chúng tôi làm sao khắc phục hạn chế để tiếp tục phát triển. Đà Nẵng phát triển để chúng tôi có cơ hội đóng góp lớn hơn cho đất nước”.
“Với tâm nguyện của những người sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Đà Nẵng, chúng tôi cố gắng chuẩn bị tốt và nếu Nghị quyết được thông qua sẽ là công cụ tốt, là sản phẩm để lại cho nhiệm kỳ sau đưa Đà Nẵng phát triển hơn” – ông Trương Quang Nghĩa nói.
Cần làm rõ các chính sách đặc thù
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Đà Nẵng là địa phương phát triển năng động, là động lực cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Do vậy, cần có cơ chế cho Đà Nẵng phát triển mạnh hơn, phù hợp với vị trí và chiến lược vốn có.
Từ quan điểm trên, ông Uông Chu lưu đồng tình với việc chỉ tổ chức 1 cấp chính quyền. Tuy vậy, cần xác định rõ cơ cấu tổ chức bên trong. Chính quyền đô thị phải có điểm khác, phải được phân cấp phân quyền, còn bộ máy bên trong với chức năng, mối quan hệ như cũ thì chưa chắc đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng. Do đó, ông đề nghị quy định ngay trong dự thảo nghị quyết việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết chức năng bộ máy cơ quan chuyên môn ở quận, phường thì mới giải quyết được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nhấn mạnh, thí điểm có thể khác luật, mô hình không hẳn Đà Nẵng cứ phải giống Hà Nội và TPHCM. Sau thời gian thí điểm sẽ đánh giá tổng kết từng mô hình.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình trình Quốc hội cho ý kiến theo quy trình thủ tục rút gọn xem xét thông qua tại 1 kỳ họp để Đà Nẵng thuận lợi trong chuẩn bị Đại hội Đảng, trong đó có vấn đề nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Liên quan chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144 năm 2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, với mục tiêu tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển năng động hơn, dự thảo Nghị quyết lần này thể hiện các nhóm chính sách lớn liên quan lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính, ngân sách, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về thẩm quyền quyết định cũng như đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý cần có chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, Chính phủ và các cơ quan phải rà soát kỹ để xác định nội dung nào cần sửa Nghị định 144 để bổ sung, nội dung nào phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, quyết định./.