Xem xét thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ người nghèo

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay thảo luận dự thảo nghị quyết về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Báo cáo tờ trình, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, mục đích của nghị quyết gồm 4 chương và 19 điều, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương (được quy định trong Hiến pháp gồm: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…).

Theo đó, nghị quyết đề xuất thực hiện thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích công tại 6 tỉnh, thành: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk, với thời hạn không quá 3 năm.

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Quốc hội

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết, thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo về xây dựng, ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm “lợi ích công” với các khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng để bao quát đầy đủ và thống nhất với quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai…

Ông cho rằng, việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ cần làm rõ hành vi vi phạm có thuộc trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính hoặc vi phạm pháp luật hình sự hay không để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra sơ bộ; yêu cầu giữ nguyên tên gọi của nghị quyết.

Đề nghị VKSND tối cao tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục rà soát chỉnh lý các quy định đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể thứ tự ưu tiên các tiêu chí để xác định tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án dân sự do VKSND khởi kiện cũng như nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình nghiệp vụ có liên quan.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xem-xet-thi-diem-vksnd-khoi-kien-vu-an-dan-su-bao-ve-nguoi-ngheo-2391947.html