Lời cảnh tỉnh từ một vụ án

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' đối với bị cáo Nguyễn Văn Thắng (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tiến Mạnh Lai Châu) và 10 bị cáo khác về những sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài TP. Sông Công đã khép lại. Các bị cáo đã phải chịu hình phạt, song vụ việc cũng là bài học đắt giá cho các bị hại và là lời cảnh tỉnh cho những người khác.

Xét xử 11 bị cáo trong vụ án Khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài

Hội đồng xét xử tuyên án chiều 18-4.

Hội đồng xét xử tuyên án chiều 18-4.

Trước hết, có thể thấy, sai phạm bắt đầu từ sự liều lĩnh của Nguyễn Văn Thắng khi tự ý san gạt đất chưa được cấp có thẩm quyền giao và đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người mua đất.

Năm 2017, Công ty Tiến Mạnh Lai châu được UBND tỉnh Thái Nguyên lựa chọn là chủ đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thắng Lợi kéo dài thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn II)”. Tuy nhiên, Dự án này chưa được phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao. Công ty chưa được UBND tỉnh giao và sử dụng đất của Dự án khu dân cư để thu hồi vốn.

Vậy nhưng, lợi dụng việc được lựa chọn là nhà đầu tư tuyến đường Thắng Lợi kéo dài, Thắng đã tự ý cho san gạt, chỉ đạo các nhân viên đưa ra thông tin gian dối là phần đất để thực hiện khu dân cư thuộc quyền sở hữu của công ty và được bán các ô đất theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Thắng còn chỉ đạo các nhân viên trong Công ty lập hợp đồng mua bán, cam kết với khách hàng sau 12 tháng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tin tưởng vào thông tin trên, hàng trăm người đã bỏ số tiền lớn để mua “bản hợp đồng giấy” của Công ty Tiến Mạnh Lai Châu và trở thành nạn nhân. Đến nay, sau nhiều năm, 277 bị hại vẫn chưa nhận được chút quyền lợi nào trong tâm trạng bất an, lo lắng và mệt mỏi.

Điều đáng nói là trong 2 năm 2018 và 2019, báo chí đã có những phản ánh về việc Công ty Tiến Mạnh Lai Châu yếu kém về năng lực tài chính; tự ý san gạt mặt bằng tại Dự án khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài để bán đất.

Vậy nhưng, rất nhiều người vẫn thực hiện giao dịch với Công ty để mua được đất Dự án. Thậm chí có những người còn mua lại từ những khách hàng trước với giá cao hơn nhiều so với giá ban đầu. Giá như người dân tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc kỹ trước khi giao dịch thì chắc chắn sẽ không rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như hiện nay.

Các bị cáo nghe phán quyết của tòa tại phiên xử sơ thẩm.

Các bị cáo nghe phán quyết của tòa tại phiên xử sơ thẩm.

Còn đối với các nhân viên làm việc cho Thắng, sai phạm của họ là “biết sai nhưng vẫn làm”. Rõ ràng, những người này đều biết việc Công ty chưa được giao đất, chưa đủ điều kiện để bán đất, nhưng theo sự chỉ đạo của Thắng đã giúp Thắng lập các hợp đồng mua bán đất, viết các phiếu thu, thu tiền của các bị hại. Nếu như những người này thấy sai mà tránh, kiên quyết không tiếp tay cho vị giám đốc dám “ăn không nói có” thì có chăng họ chỉ bị khiển trách, không được tin dùng chứ không đến nỗi phải rơi vào vòng lao lý như hôm nay.

Nói đến vụ án này, không thể không nhắc đến những sai phạm trong công tác quản lý của nhà nước đối với việc triển khai thực hiện Dự án khu dân cư đường Thắng Lợi kéo dài. Người chịu trách nhiệm trước hết là nguyên Chủ tịch UBND TP. Sông Công Lê Văn Khôi. Việc Công ty tự ý san gạt đất, thực hiện các giao dịch bán đất trái pháp luật trong thời gian dài và công khai tại địa bàn thành phố là hành vi lừa đảo. Là người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Khôi biết những hành vi vi phạm trên của Nguyễn Văn Thắng nhưng không ngăn chặn.

Khi biết truyền thông có phản ánh về sự yếu kém và sai phạm của Công ty trong việc tự ý san gạt mặt bằng tại Dự án khu dân cư để bán đất cho người dân là trái pháp luật, ông Khôi chỉ yêu cầu Công ty báo cáo giải trình, không chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra mà vẫn để Công ty tiếp tục bán đất cho người dân trái pháp luật. Đó là lý do khiến bị cáo Lê Văn Khôi bị phạt 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tương tự, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Sông Công là Đào Duy Anh, Lưu Trí Vượng cùng Trưởng Phòng Tài Nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Dụng cũng trở thành tội phạm khi làm trái các quy định của pháp luật. Hình phạt cho các bị cáo là cái giá phải trả cho sự tắc trách, yếu kém trong công tác quản lý và cũng là bài học với nhiều cán bộ, công chức khác.

Trong vụ án này, điều quan tâm của hàng trăm bị hại và những người liên quan là việc quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ ra sao. Trong ngày tuyên án, Tòa tuyên bị cáo Nguyễn Văn Thắng phải trả lại các bị hại toàn bộ số tiền trên 342 tỷ đồng đã chiếm đoạt.

Về điều này, cơ quan điều tra xác định, tài sản của Công ty Tiến Mạnh Lai Châu liên quan trong vụ án còn có một số dự án đang thực hiện ở Vĩnh Phúc, Lai Châu. Đến nay, các dự án đều chưa hoàn thiện, chưa quyết toán. Bên cạnh đó, bị cáo Thắng đang sở hữu 27 thửa đất tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) và một số thửa đất có diện tích lớn được Nhà nước cho thuê để xây dựng trung tâm thương mại và chợ thực phẩm, xây dựng căn hộ liền kề, nhà ở đô thị tại TP. Lai Châu. Trong đó có một số tài sản đang được Thắng thế chấp ngân hàng.

Vụ án liên quan đến 277 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt lên tới trên 342 tỷ đồng.

Vụ án liên quan đến 277 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt lên tới trên 342 tỷ đồng.

Để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Thắng, Tòa án giao cho các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp xử lý các tài sản của bị cáo, thu hồi số tiền còn lại về cơ quan thi hành án dân sự tỉnh để trả cho các bị hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quyết định của tòa sơ thẩm, các bị hại sẽ được bồi hoàn số tiền mà Thắng đã chiếm đoạt sau khi các tài sản của bị cáo được xử lý và thu hồi. Đây là căn cứ để bảo vệ quyền lợi và là niềm hy vọng của các bị hại sau nhiều năm tin tưởng, bỏ tiền chạy theo dự án “ma” của Công ty Tiến Mạnh Lai Châu.

Theo luật sư Lưu Bình Dương, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên: Bị cáo Thắng (sau này là người phải thi hành án) bằng tài sản hợp pháp của mình trả lại cho các bị hại số tiền trên nếu có đủ năng lực tài chính; nếu không có đủ năng lực tài chính thì họ có thể thỏa thuận việc thi hành án cụ thể trả tiền bằng cấn trừ tài sản đang có (thông qua người đại diện). Nếu ông Thắng không thỏa thuận được với bên bị hại thì cơ quan thi hành án sẽ xử lý tài sản hợp pháp của ông Thắng bị kê biên trong quá trình thi hành án, để lấy tiền trả cho bị hại. Trong đó có thể bao gồm cả phần đất hoặc phần tiền mà ông Thắng với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Mạnh Lai Châu thực hiện tại dự án Sông Công khi được UBND TP. Sông Công quyết toán.

Tại phiên tòa, ông Thắng cũng trình bày nguyện vọng đối với Dự án đầu tư đường Thắng Lợi kéo dài được UBND TP. Sông Công thanh toán bằng đất từ đó bồi thường cho bị hại bằng đất… Tôi nghĩ đây là thỏa thuận tự nguyện giữa ông Thắng và bị hại là hợp pháp, đỡ thiệt thòi cho bị hại. Tuy nhiên, việc này còn tùy theo diễn biến của giai đoạn thanh lý dự án, hay tiếp tục được thực hiện dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định như thế nào, bằng phương pháp nào – Luật sư Lưu Bình Dương

Luật sư Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Thanh Nghĩa, cho hay: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, các bị hại có thể làm đơn yêu cầu thi hành án gửi cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án xác minh tài sản của bị cáo nếu đủ điều kiện thi hành sẽ tiến hành các bước xử lý kê biên, bán đấu giá, thu hồi tiền để trả lại cho bị hại theo quy định của pháp luật.

Qua vụ việc này, các luật sư khuyến cáo người dân trước khi quyết định đầu tư mua tài sản (nhất là bất động sản) từ các dự án cần tìm hiểu kỹ thông tin. Dự án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được công bố công khai theo quy định.

Hoàng Hải

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202504/loi-canh-tinh-tu-mot-vu-an-2651666/