Xem xét, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với vấn đề chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6909/VPCP-CN ngày 24/7/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin báo nêu về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với vấn đề chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.
Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có thông tin báo VietnamPlus nêu ngày 20/7/2025 về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.
Theo bài báo, ngành dệt may Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và duy trì lợi thế cạnh tranh quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 là phát triển theo chiều sâu, tăng ứng dụng công nghệ, giảm phụ thuộc lao động phổ thông, sử dụng nguyên liệu tái chế như polyester, cotton, viscose, áp dụng công nghệ nhuộm xanh, ít hóa chất, thiết kế sản phẩm từ sợi đơn chất để dễ tái chế.
Chuyên gia cho rằng để nâng cao chất lượng tái chế, cần loại bỏ nguyên liệu thô và vi sợi nhựa ngay từ đầu vào, phát triển vật liệu an toàn, không độc hại, đồng thời ứng dụng công nghệ tái chế tiên tiến và hệ thống phân loại hiệu quả. Các doanh nghiệp như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty 28 (Agtex 28) và một số doanh nghiệp như TCM - Dệt may Thành Công, đang đầu tư công nghệ hiện đại, quy trình khép kín và sản phẩm thân thiện môi trường, hướng tới chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc áp dụng mô hình tuần hoàn còn giúp ngành đáp ứng tiêu chuẩn xanh từ các thị trường lớn như EU, Mỹ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia Hà Lan, để vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ hàng loạt quy định như thu gom riêng rác dệt may, hạn chế hóa chất độc hại và thúc đẩy tái chế. Trong bối cảnh yêu cầu xuất xứ và môi trường ngày càng khắt khe, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và là nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD vào năm 2025 và tiến tới Net Zero toàn cầu.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với ngành dệt may.
Theo Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2022, mục tiêu đến năm 2035, ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Trong đó, riêng về giải pháp đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hóa ngành Dệt May, Da Giầy, Chiến lược nêu rõ: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch trong ngành Dệt May, Da Giầy; ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, giảm lượng nước xả thải, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường tái chế, tái sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, chất thải; tập trung ưu tiên vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, thân thiện với môi trường.
Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, các sản phẩm dệt may, da giầy chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, thân thiện môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành Dệt May, Da Giầy đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ thông qua các đề tài, dự án phục vụ phát triển sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất một số nguyên, phụ liệu, phụ tùng quan trọng trong nước để thay thế nguyên, phụ liệu nhập ngoại. Đầu tư xây dựng các cơ sở phân tích, kiểm tra chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.
Tăng cường năng lực nghiên cứu cho các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành Dệt May, Da Giầy và các tổ chức, đơn vị có các hoạt động phát triển ngành trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, thiết kế, sản xuất thử nghiệm, phát triển sản phẩm, kiểm định chất lượng, chuyển giao công nghệ, đào tạo,...
Xây dựng chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (in 3D, vật liệu mới, tự động hóa, robot, số hóa,...), ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tạo bước chuyển biến thực chất trong quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy.
Rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn, yêu cầu, quy định quốc tế, khu vực để thiết lập và định kỳ cập nhật các tiêu chuẩn, định mức, quy định của ngành về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu, hóa chất,...
Thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may, da giầy trong nước tiếp cận, thực hiện quy hình xanh hóa trong sản xuất và đạt các chứng chỉ về bảo vệ môi trường, về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.
Đẩy mạnh các nghiên cứu về vật liệu và hóa chất mới có thể tái tạo hoặc có nguồn gốc tự nhiên để dần thay thế các vật liệu không bền vững trên cơ sở đánh giá vòng đời sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng nguyên, nhiên liệu, chất thải, ... trong quá trình sản xuất.
Tổ chức các khóa đào tạo, phổ biến thông tin và nâng cao năng lực về quản lý và kiểm soát các vấn đề về môi trường tại doanh nghiệp (kiểm soát hóa chất, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước...); nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị minh bạch... phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế...