Xem xét tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu năm 2024
Sáng nay, 29/11, ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp.
Báo cáo tóm tắt kết quả Kỳ họp tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội Hoàng Thị Lan Nhung cho biết, sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.
Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắng thảo luận, tập trung giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn.
Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Cùng với đó, Quốc cũng đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 6, đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 83,2%.
Về việc Quốc hội chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc khẳng định, việc này thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội vì trong quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thời gian để xem xét kỹ lưỡng, nhất là đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách, đảm bảo các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bền vững, đặc biệt là không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các bộ luật khác nên rất cần thời gian.
“Không phải vì phải thông qua tại Kỳ họp này mà cứ nhất trí bấm nút thì sẽ làm cho hệ thống pháp luật có tính ổn định không dài, do vậy phải lùi thông qua vào thời điểm thích hợp”, Tổng thư ký Quốc hội nói.
Về thời điểm xem xét, thông qua các dự án Luật này, Tổng thư ký Quốc hội cho hay, hiện nay, chúng ta đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để có Kỳ họp bất thường, dự kiến vào tháng 1/2024, cùng một số nội dung khác theo đề nghị của Chính phủ.
Tổng thư ký Quốc hội khẳng định, sự phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta cần việc Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong việc cho ý kiến hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, theo Hiến pháp, 1 năm Quốc hội họp 2 kỳ thì sẽ chậm sự phát triển đi 6 tháng, làm chậm đi sự phát triển của đất nước.
Do đó, Chính phủ đề xuất các vấn đề cần thiết, Quốc hội thấy đúng là cấp bách, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Quốc hội sẽ họp, như vậy sẽ giải quyết được các công việc cụ thể.
“Vấn đề hiện đang báo cáo cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định sau”, ông Bùi Văn Cường nói.