Xem xét xóa nợ thuế: Đại biểu lo ngại xảy tiêu cực!

Bộ trưởng Tài chính cho biết tình hình nợ đọng thuế hiện giảm xuống ở mức 6,9% tổng nợ trên tổng thu nội địa. Tuy vậy, nợ đọng thuế vẫn còn cao, tính đến 31-8 là 88.253 tỉ đồng. Trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỉ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Chiều 22-10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu phải ban hành Nghị quyết này, theo cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính cho biết tình hình nợ đọng thuế hiện giảm xuống ở mức 6,9% tổng nợ trên tổng thu nội địa. Tuy vậy, nợ đọng thuế vẫn còn cao, tính đến 31-8 là 88.253 tỉ đồng. Trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỉ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ (ảnh QH)

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ (ảnh QH)

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) nhìn nhận, trong Nghị quyết về xóa nợ thuế có một số đối tượng phù hợp, nhưng nếu áp dụng mở rộng với tất cả các đối tượng trong Dự thảo sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm nộp thuế của cá nhân, doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về thuế.

Ông Chiến cho rằng, một số đối tượng được xét xóa tiền phạt chậm nộp thuế khá đơn giản như: DN có quyết định giải thể gửi cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh; DN gửi đơn ra Tòa làm thủ tục phá sản, hoặc mới thụ lý thủ tục phá sản. Hay trường hợp DN không còn hoạt động tại nơi đã đăng ký, có xác nhận của chính quyền…

Theo ông Chiến, điều này chưa phù hợp, vì sẽ phát sinh tình trạng DN đang nợ thuế chỉ cần bỏ khỏi nơi đã đăng ký, ra nơi khác để kinh doanh thì sẽ được xem xét xóa nợ. Ở các nước, DN đã bị phá sản, xử lý là không đủ điều kiện kinh doanh, lập DN khác, nhưng ở ta một DN vừa tuyên bố giải thể đã có thể ra đăng ký thành lập DN khác, không đặng ký kinh doanh ở địa chỉ này thì địa chỉ khác.

“Nếu qui định cứ có vài điều kiện như vậy là có thể xóa nợ thuế thì sẽ khiến các DN tìm cách lách luật, trốn thuế, rồi xóa thuế, sẽ khiến Nhà nước sẽ thất thu. Với người đã chết, mất năng lực hành vi, không còn khả năng kinh doanh nữa thì xóa nợ là phù hợp, nhưng với những đối tượng khác thì rất bất cập.

Tồn đọng thuế là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế phải thu hồi. Giờ ra Nghị quyết để xóa đi, sẽ không còn con số khổng lồ về nợ thuế nữa. Đây không phải là cách giải quyết vấn đề gốc, giúp cho ngân sách có tận thu, mà lại có thể xảy ra tiêu cực với cơ chế này”, ông Chiến nói.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) băn khoăn sẽ “giải thích với cử tri như thế nào về việc không thu hồi được nợ thuế” và ban hành nghị quyết để xóa nợ.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xem-xet-xoa-no-thue-dai-bieu-lo-ngai-xay-tieu-cuc-167074.html