Xem xét xử lý hình sự với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Bộ Công an tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường...
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước tại một số điểm nóng trên các lưu vực sông, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
THANH KIỂM TRA CHUYÊN ĐỀ VỀ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn các lưu vực sông khẩn trương thống kê và phân loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông, lập danh mục (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ, gửi danh mục nguồn thải về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trước ngày 31/12/2025.
Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gửi báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị nêu rõ mục tiêu đến ngày 31/12/2025, có 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom và xử lý nước thải tập trung, 50% nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý; 30% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng các biện pháp phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp danh mục các nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên vào các lưu vực sông cần được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát các nguồn thải lớn gây ô nhiễm các lưu vực sông.
Đáng chú ý sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định; tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025.
Rà soát mạng lưới các điểm quan trắc, bổ sung các điểm, trạm quan trắc tại vị trí đặc biệt ô nhiễm; trường hợp mực nước thấp, dòng chảy lưu thông kém, thông báo kịp thời cho cơ quan, đơn vị liên quan để điều tiết hoạt động bổ cập nước, tạo nguồn nhằm tăng khả năng tự làm sạch của sông...
XỬ LÝ NGHIÊM TRƯỜNG HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trên các lưu vực sông rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên, đề xuất phương án, giải pháp thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, rà soát đơn giá, định mức, đề xuất cơ chế tài chính đối với dịch vụ thu gom, xử lý nước thải nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đánh giá mức độ tác động từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường nước tại các lưu vực sông trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ lần thứ nhất trước ngày 30/6/2025 và cập nhật thông tin hàng năm; đề xuất giải pháp tuần hoàn, sử dụng hợp lý tài nguyên nước (bao gồm cả các loại nước thải) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện quy chế tiếp nhận thông tin để vận hành quy trình điều tiết, bổ cập nước (thông qua hệ thống các trạm bơm, trạm bơm dã chiến) cho các dòng chảy (đặc biệt vào mùa khô) thuộc các lưu vực sông; chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó, bổ sung yêu cầu đối với việc duy trì dòng chảy tối thiểu liên tục trong hệ thống, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Đặc biệt, theo Chỉ thị, Bộ Công an tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông trên; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp; xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo thẩm quyền rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về thu hút đầu tư, xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực môi trường, trong đó bao gồm thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phi tập trung, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025;
Đề xuất phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn đầu tư khác (nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...) ưu tiên cho xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các đô thị loại V trở lên theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bộ Tài chính nghiên cứu và rà soát phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng gây ô nhiễm, tạo nguồn thu vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông.
Đối với lưu vực sông Cầu: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, UBND Tp.Hà Nội khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các giải pháp xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê, hoàn thiện hệ thống thu gom để vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, hoàn thành trước ngày 31/12/2025; Vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Phú Lâm trước ngày 31/3/2025; đấu nối, thu gom, xử lý nước thải của cụm công nghiệp Phong Khê 1 và 2, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Đối với lưu vực sông Nhuệ- Đáy: UBND Tp.Hà Nội tập trung xây dựng và triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt; cải tạo phục hồi môi trường nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông nội đô (Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu) đang bị ô nhiễm nặng; điều chỉnh quy trình vận hành cống Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc, hoàn thành trước ngày 31/12/2025; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm, đưa vào vận hành chính thức trước ngày 30/6/2025;
Đối với lưu vực sông Đồng Nai: UBND Tp.Hồ Chí Minh xây dựng và vận hành các dự án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt là điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ cửa sông Thị Tính về phía hạ lưu), hoàn thành trước ngày 31/12/2025; phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại tuyến giáp ranh trên kênh Ba Bò, khu vực tuyến Suối Cái, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải: các Bộ, UBND 4 tỉnh, thành phố trên hệ thống thủy nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
UBND Tp.Hà Nội đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các cụm dân cư phân tán khu vực nông thôn, đặc biệt từ khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm thải vào khu vực sông cầu Bây; triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp sông cầu Bây, hoàn thành trong năm 2025; Đầu tư xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải trên quận Long Biên nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm sông cầu Bây, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị Việt Hưng, Long Biên…