Xếp dỡ Hải An chốt ngày trả cổ tức 15% cổ phiếu
Sau đợt phát hành 15,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, Xếp dỡ Hải An sẽ nâng vốn điều lệ từ 1.055 tỷ đồng lên 1.213 tỷ đồng.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) vừa có thông báo về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 15% (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Với 105,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến phát hành thêm 15,8 triệu đơn vị mới. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ HAH sẽ tăng từ 1.055 tỷ đồng lên 1.213 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền là 24/6/2024.
Những năm gần đây, HAH thường trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu.
Những năm gần đây, HAH thường trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu. Năm 2022, tỷ lệ trả cổ tức là 50%; năm 2021, tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu là 40% và tiền mặt là 10%.
Ở một diễn biến khác, HĐQT Xếp dỡ Hải An mới đây cũng đã thông qua quyết nghị, sử dụng một tàu biển của công ty để làm đảm bảo đối với trái phiếu 500 tỷ đồng được phát hành vào cuối năm 2023. Tàu có tên HAIAN BETA, là tàu chở container, mới được đóng ở Trung Quốc vào năm 2024.
Trong quý 1/2024, Hải An ghi nhận 704 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên do giá vốn tăng tới 29%, lợi nhuận gộp của HAH giảm 44,8% so với quý 1/2023 về còn 106 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, công ty báo lãi sau thuế 47,3 tỷ đồng.
Năm 2024, Hải An lên kế hoạch kinh doanh hợp nhất với tổng doanh thu 3.326 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, HAH hoàn thành 21,2% kế hoạch doanh thu và 16,3% kế hoạch lợi nhuận.
Mới đây, Chứng khoán SSI dự báo ngành cảng biển sẽ phục hồi từ quý II đến quý III khi Trung Quốc và các nước phương Tây tăng dự trữ hàng hóa để thúc đẩy nhu cầu vận chuyển tại thị trường nội Á. Tính riêng trong tháng 4, sản lượng xuất nhập khẩu qua trung tâm cảng biển Hải Phòng tăng khoảng 20%, trong khi cảng Hải An tăng 45%.
Một tín hiệu tích cực khác là giá cước vận tải tàu container toàn cầu tiếp tục duy trì ổn định ở cả thị trường giao ngay và cho thuê tàu định hạn. Cụ thể, chỉ số container toàn cầu, đại diện cho giá cước vận tải container giao ngay cho các tuyến vận tải quốc tế lớn đã quay về vùng của dịch COVID-19, trong khi giá thuê tàu định hạn trọng tải 1.700 TEU đã tăng 65% so với đầu năm.
Về hoạt động kinh doanh của HAH, đơn vị phân tích dự báo, việc giá cước neo cao trong thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng tích cực các hợp đồng cho thuê tàu định hạn sẽ hết hạn hợp đồng từ quý IV trở đi, cũng như giá cước giao ngay trên các tuyến nội địa vẫn chưa phục hồi mạnh kể từ đầu năm 2024. Vì thế, lợi nhuận của HAH có thể phục hồi từ quý II trở đi.