Xếp hạng 3 di tích quốc gia đặc biệt tại Hòa Bình, Bạc Liêu và Tiền Giang
Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 694/QĐ-TT xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 15) đối với 3 di tích ở tỉnh Hòa Bình, Bạc Liêu và Tiền Giang.
Cụ thể, 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm: Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình); Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); Di tích lịch sử Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định (thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).
Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (Hòa Bình)
Đây là hai địa điểm khảo cổ học nổi tiếng của văn hóa Hòa Bình, đều nằm trong huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình, cách nhau đường chim bay chừng 5km. Mái đá Làng Vành đã được nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani phát hiện và khai quật nghiên cứu từ 1929. Nội dung cuộc khai quật mới chỉ trình bày rất vắn tắt trong EFEO 1929 (Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp số ra năm 1929), nhưng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong ngoài nước.
Trong khi đó, Hang xóm Trại phát hiện năm 1975 và được khai quật nghiên cứu liên tục trong nhiều năm 1980, 1981, 1982, 1986, 2004, 2008.
Cả hai địa điểm đều đã được định tuổi C14 rất tỉ mỉ và hệ thống, cho phép xác định niên đại sớm nhất là trên 20 ngàn năm cách ngày nay. Hai di tích đều đã được xếp hạng Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia.
Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc địa phận ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1992, tháp được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng trên một khu đất có diện tích khá lớn, khoảng 100m2, với chiều cao của tháp cổ cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 50m. Tháp cao khoảng 8,2m, tính từ nền tháp.
Tháp được xây bằng hai loại gạch có màu sắc khác nhau. Từ chân tháp đến độ cao 4m là gạch đỏ và từ 4m trở lên trên được dùng gạch trắng. Nhìn vào từ cửa chính là bộ Linga – Yoni tượng trưng cho âm dương hòa hợp được phục chế lại. Bộ Linga – Yoni nguyên gốc đang được gìn giữ tại bảo tàng.
Phần tường chân tháp dày khoảng 1,8 m, càng lên cao tường càng mỏng dần, phần mái tường được thiết kế dốc dần lên phía đỉnh tháp tạo thành hình vòm cuốn. Phần cửa tháp quay về hướng tây nam, khác với tháp cổ Bình Thạnh Tây Ninh và các tháp cổ khác của người Chăm ở miền trung, các tháp này thường có phần cửa chính quay về hướng đông.
Tháp cổ này được những chuyên gia khảo cổ nghiên cứu và tìm hiểu ngay từ khi mới phát hiện ra. Đây không chỉ là một kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc – Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam bộ, mà trong cuộc khai quật tại tháp Vĩnh Hưng, các nhà khảo cổ học còn thu được nhiều hiện vật hết sức quí giá với nhiều tượng đá, đồng, gốm, đá quí … đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau công nguyên) của tháp cổ Vĩnh Hưng.
Nhiều hiện vật có giá trị được phát hiện trong những đợt khảo sát có thể kể đến như: tượng Nữ thần được tạc theo phong cách truyền thống tượng tròn Óc Eo Phù Nam, bàn tay phải của “Tượng thần”, một số Linga – Yoni, đồ gốm dùng trong sinh hoạt và đặc biệt là bộ tượng đồng được các nhà khảo cổ học đánh giá là bộ sưu tập tượng độc đáo, là “bảo vật quốc gia”, trong đó có một số tượng độc bản có giá trị rất cao.
Năm 2011, di tích tháp Vĩnh Hưng được trùng tu tôn tạo gồm các hạng mục: nhà trưng bày, nhà bia, nhà bảo vệ, hàng rào và một số hạng mục khác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Di tích lịch sử các địa điểm khởi nghĩa Trương Định (Tiền Giang)
Quần thể di tích các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định gồm: Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời, ao Dinh… trong đó khu vực Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định ngụ tại đường Phan Đình Phùng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là nơi phụng thờ anh hùng dân tộc Trương Định.
Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định được chia làm 2 phần, bao gồm phần đền thờ và phần lăng mộ. Về phần mộ, lăng mộ của Trương Định có thiết kế mang đậm lối kiến trúc đặc trưng của người Nam Bộ. Ngôi mộ được xây dựng bằng hợp chất ô dước - một loại vật liệu tạo chất kết dính, có dáng hình voi phục.
Ngoài lăng mộ và đền thờ tại trung tâm thị xã, ở Gia Thuận, Gò Công Đông, nơi được gọi là "Đám lá tối trời" mà nghĩa quân của người anh hùng từng chọn làm căn cứ chống Pháp, nhân dân còn lập thêm một ngôi đền khác để thờ ông.
Vào ngày 30/8/1987, Di tích lăng mộ và đền thờ Trương Định tọa lạc tại thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp giấy chứng nhận là Di tích cấp Quốc Gia. Bên cạnh đó, đền thờ Trương Định ở Gia Thuận, huyện Gò Công Đông cũng được công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 2004.
Hiện tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương mở rộng Khu di tích Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông), phục dựng di tích lịch sử “Đám lá tối trời” và các di tích liên quan khởi nghĩa Trương Định để trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng và tổ chức lễ hội ở các huyện phía Đông, đồng thời góp phần phát triển du lịch của tỉnh.