Trải qua 4 phần, 'Kung Fu Panda' đã trở thành biểu tượng trong làng phim hoạt hình. Hành trình phiêu lưu của chú gấu Po trên màn ảnh rộng in sâu vào tâm trí nhiều khán giả.
Suốt 16 năm qua, loạt phim Kung Fu Panda đã ghi dấu ấn đậm nét trên màn ảnh rộng và trong lòng khán giả toàn cầu. Ít ai biết, đội ngũ DreamWorks ban đầu muốn đây là một dự án “hài parody”, nhưng Stevenson đã kiên quyết giữ đúng tinh thần võ hiệp. Nhân vật chính Po đại diện cho sự phá vỡ khuôn mẫu về võ sư trên màn ảnh. Cao thủ võ lâm không cần sáu múi, mảnh khảnh, trái lại có thể to lớn, ham ăn nhưng vẫn xuất chúng.
Phần đầu tiên của Kung Fu Panda ra mắt vào năm 2008, nhanh chóng tạo nên cơn sốt phủ sóng toàn cầu. Phim ban đầu được chiếu tại LHP Cannes, sau đó càn quét rạp chiếu với thành tích khủng. Cụ thể, dự án của nhà DreamWorks kiếm được 631,7 triệu USD, gấp gần 5 lần kinh phí sản xuất (130 triệu USD). Kung Fu Panda cũng trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất năm 2008, giúp hãng phim lấy lại vị thế đỉnh cao sau Shrek.
Chuyện phim theo chân chú gấu trúc Po. Vì không muốn nối nghiệp làm bếp của cha, Po ôm mộng trở thành cao thủ Kung Fu và lên đường tham dự cuộc thi tuyển Thần Long Đại Hiệp. Anh chàng sau đó trải qua thời gian luyện võ cùng sư phụ Shifu và các sư huynh, sư tỉ. Họ phải đối đầu với phản diện Tai Lung để giải cứu dân làng. Bộ phim nhận nhiều lời khen về chất lượng, mang về 2 đề cử Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar lẫn Quả cầu Vàng. Trên trang Rotten Tomatoes, Kung Fu Panda nhận đánh giá 87% từ chuyên gia và 83% từ khán giả.
Năm 2016, Kung Fu Panda 3 trình làng. Bộ phim ban đầu được phát hành với những suất chiếu đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, trước khi ra mắt chính thức trên toàn cầu. Với 521 triệu USD kiếm được, Kung Fu Panda 3 là phim phát hành vào tháng 1 có doanh thu cao thứ hai mọi thời đại. Phim cũng được giới phê bình tán dương, với số điểm “cà chua tươi” cao ngang với phần 1 - 87%. Trong phần này, Po phải đối mặt với Kai - gã trâu điên trở lại nhân gian với quyết tâm tiêu diệt chú gấu trúc giỏi võ.
Bên cạnh nội dung thiện - ác đối đầu quen thuộc, Kung Fu Panda 3 còn chú trọng khai thác câu chuyện gia đình. Tình thân giữa hai người cha đối với Po trở thành điểm nhấn của tác phẩm. Đặc biệt, phần phim chứng kiến sự đột phá về yếu tố giải trí, với hình ảnh và âm thanh đặc sắc. Kung Fu Panda 3 kết hợp hài hòa đồ họa 3D tân tiến và hình ảnh 2D truyền thống, mang đến trải nghiệm thị giác mới lạ. Bên cạnh đó, các cảnh hành động cũng được dàn dựng hoành tráng, ấn tượng.
Kung Fu Panda 2 ra mắt năm 2011, 3 năm sau thành công vang dội của phần đầu tiên. Đây cũng là phần có doanh thu cao nhất series, mang về 665,7 triệu USD. Trong khi đó, kinh phí sản xuất phim theo tiết lộ rơi vào khoảng 150 triệu USD. Chuyện phim theo chân gấu trúc Po sau khi diệt trừ Tai Lung trở thành Thần Long Đại Hiệp, bảo vệ Thung lũng Bình Yên cùng các sư huynh, sư tỉ. Đối thủ của cậu lần này là Shen, một con chim công trắng muốn thống trị Trung Hoa cổ đại.
Câu chuyện của Kung Fu Panda 2 mở rộng, phát triển thêm về thân thế nhân vật. Tác phẩm gây ấn tượng khi khai thác tốt yếu tô tâm lý. Nhiều trường đoạn gây xúc động mạnh, chạm đến trái tim khán giả. Bên cạnh nội dung, yếu tố giải trí cũng giúp phim ghi điểm. Ngoài hình ảnh đẹp mắt, âm nhạc của Hans Zimmer khiến khán giả mê đắm. Phong cách hiện đại kết hợp truyền thống Trung Hoa bổ trợ hiệu quả cho phần nội dung phim. Tác phẩm sau đó nhận được đề cử Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar 2012.
Phải tới gần một thập kỷ kể từ sau thành công của phần 3, Kung Fu Panda 4 mới được nhà DreamWorks cho ra mắt. Tác phẩm do đạo diễn Mike Mitchell cầm trịch, tập trung vào chương mới trong cuộc đời của gấu trúc Po. Cậu được sư phụ Shifu giao cho trọng trách đảm nhiệm vị trí thủ lĩnh tinh thần của Thung lũng Bình Yên, cùng với đó là việc tìm người kế thừa danh hiệu Thần Long Đại Hiệp. Ở phần này, Po phải đối đầu với phản diện Chameleon, một con tắc kè hoa với khả năng giả dạng bất cứ ai.
So với các phần trước đó, nội dung của Kung Fu Panda 4 có phần “nhẹ đô” hơn. Câu chuyện của các nhân vật chưa quá ấn tượng, chiều sâu tâm lý cũng chỉ được khai thác mờ nhạt. Chính vì vậy, chuyện phim khá đơn giản, không khó đoán và tạo được bất ngờ. Tuy nhiên, Kung Fu Panda 4 vẫn gây thích thú với những tình tiết hài duyên dáng, cùng phần hình ảnh và âm nhạc thỏa mãn khán giả. Thông qua hành trình của Po, tác phẩm truyền tải những thông điệp nhân văn một cách tinh tế, nhẹ nhàng. Ra mắt tại Việt Nam, phần 4 Kung Fu Panda trở thành phim hoạt hình có lượt vé đặt trước cao nhất lịch sử.