Xếp hạng nhà vệ sinh cho du khách quốc tế, Việt Nam nằm ở đâu?
Điều kiện nhà vệ sinh tại Việt Nam được xếp vào diện thấp nhất thế giới, theo một nghiên cứu được công bố trên báo Nikkei Asia.
Tờ báo của Nhật Bản mô tả đường phố tại TP HCM mang đến cho du khách quốc tế mọi thứ từ thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, đặc sản xe máy nối đuôi nhau trên đường … đến cuộc sống sôi động cả về đêm.
"Mọi thứ tại TP HCM đều hấp dẫn khách du lịch quốc tế, trừ nhà vệ sinh" - tờ Nikkei Asia dẫn báo cáo của công ty QS Supplies có trụ sở tại Anh.
TP HCM cùng với thủ đô Hà Nội là hai trong số những thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng kém đối với bất kỳ du khách nào, theo một chỉ số khảo sát của QS Supplies được công bố cuối tháng 1-2023.
Khảo sát được QS Supplies tiến hành tại 69 thành phố du lịch trên toàn thế giới. Qua đó, được cho là giúp du khách chọn "điểm đến một cách thận trọng" và "làm nổi bật vấn đề quan trọng nhưng kém hấp dẫn này" - đó là nhà vệ sinh công cộng.
Kết quả cho thấy chỉ TP Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập có "Bảng xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng" thấp hơn so với hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Bảng xếp hạng được tính trên số lượng nhà vệ sinh công cộng trên trung bình mỗi km2. Cũng trong khu vực Đông Nam Á, TP Kuala Lumpur (Malaysia) xếp hạng 42, Bangkok (Thái Lan) vị trí 45...
"Ngành du lịch nói chung và các khách sạn tại Việt Nam nói riêng đang tìm cách đột phá sau khi nước này không đạt được số khách quốc tế như kỳ vọng trong năm 2022. Đất nước miền nhiệt đới này tự hào với nhiều thắng cảnh nổi tiếng thế giới nhưng chỉ thu hút 3,6 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm ngoái, sau khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19. Có một số vấn đề khiến du khách khó tiếp cận hơn điểm đến Việt Nam so với Thái Lan hay Indonesia" - tờ Nikkei Asia viết.
Tờ báo uy tín tại Nhật Bản tiếp tục đánh giá: "Có một sự thật không thể chối cãi là du khách, sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè lát đá của Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra nhà vệ sinh công cộng xung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn, nhắc nhở du khách mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp nhưng lại không chuẩn bị cho mọi người việc cơ bản nhất này. Việc sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là nhu cầu và quyền của con người mà đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng".
Thực tế, đây cũng là vấn đề về kinh tế xã hội của mỗi thành phố, bởi các nơi dẫn đầu về mật độ nhà vệ sinh công cộng cao trên km2 hầu hết là đều giàu có và phát triển. Các thành phố như thể phải kể đến Paris (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ), Barcelona (Tây Ban Nha), Lisbon (Bồ Đào Nha) hay Vienna (Áo). Ngược lại, nhóm thành phố nhóm dưới cùng chủ yếu ở châu Phi hoặc châu Á vốn các nước đang phát triển.
Ở nhiều nước trên thế giới, nhà vệ sinh trở thành thước đo đánh giá công bằng xã hội. Chẳng hạn như tại Mỹ đã có những cuộc tranh luận về việc liệu các cửa hàng như Starbucks có nên cho phép những người không phải là khách hàng được sử dụng cơ sở vật chất hay không...
Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển khác, nhà vệ sinh dành cho khách du lịch nằm ngoài danh sách phát triển. Đặc biệt là ở vùng núi, đồng bằng và các vùng sâu vùng xa có nhiều khách du lịch nhưng thiếu có nhà vệ sinh.
Cuối cùng, tờ Nikkei Asia "mách nước" khi du khách đến Hà Nội hoặc TP HCM nếu rơi vào "thế bí" thì cách tìm đến trung tâm mua sắm để … "giải quyết nỗi buồn".