Xếp hạng những khu vực bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao
Trung Quốc là nơi có 16 trong số 20 khu vực trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, với một số trung tâm sản xuất quan trọng nhất của thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mực nước dâng cao và thời tiết khắc nghiệt.
Các chuyên gia về rủi ro khí hậu XDI đã đánh giá hơn 2.600 khu vực trên toàn thế giới, sử dụng các mô hình khí hậu cùng với dữ liệu thời tiết và môi trường để đánh giá thiệt hại kinh tế mà nhiệt độ tăng có thể gây ra vào năm 2050.
Bài liên quan
Liên hợp quốc: Biến đổi khí hậu góp phần vào sự gia tăng của siêu vi khuẩn
Davos 2023: Biến đổi khí hậu khiến nhiều dịch bệnh bùng phát
Con người sẽ sống ở đâu sau những biến đổi khí hậu?
Truyền thông về biến đổi khí hậu: Ứng xử từ các tòa soạn
Nghiên cứu này dựa trên sự gia tăng nhiệt độ thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này, theo một kịch bản do Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đưa ra. Theo đó, bang Florida của Mỹ được xếp hạng là khu vực dễ bị tổn thương nhất bên ngoài Trung Quốc.
Dữ liệu cho thấy một số thành phố quan trọng của nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với những hiểm họa thảm khốc như mực nước biển dâng cao, lũ lụt và cháy rừng, điều cũng có thể làm giảm giá bất động sản và cản trở đầu tư, XDI cho biết.
Tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, nơi được công nghiệp hóa mạnh mẽ và chiếm 1/10 GDP của Trung Quốc, được xếp hạng là lãnh thổ dễ bị tổn thương nhất thế giới, tiếp theo là tỉnh Sơn Đông và cơ sở sản xuất thép lớn của Hà Bắc. Tỉnh Hà Nam, nơi dễ bị lũ lụt, đứng ở vị trí thứ tư.
Sự dịch chuyển của ngành sản xuất toàn cầu sang châu Á đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu vực vốn đã dễ bị tổn thương trên khắp Trung Quốc, khiến nước này dễ bị ảnh hưởng hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Khu vực được xếp hạng cao nhất ngoài Trung Quốc là Florida, ở vị trí thứ 10, California xếp thứ 19, Texas xếp thứ 20 và New York xếp thứ 46. 9 vùng lãnh thổ từ Ấn Độ cũng nằm trong top 50.
Ông Karl Mallon, đồng sáng lập của XDI, cho biết khí hậu sẽ ngày càng trở thành một trong những yếu tố chính quyết định dòng vốn đầu tư.
“Còn rất nhiều việc phải làm để tìm ra khu vực nào trên thế giới có khả năng thích nghi và phòng thủ được, và khu vực nào có thể sẽ bị bỏ hoang trong thời gian tới”, ông nhận định.
Trung Kiên (theo CNN)