Xét nghiệm 64 dị nguyên: Tìm đúng bệnh để chữa bệnh
Có không ít bệnh nhân thường xuyên bị dị ứng mà không rõ dị nguyên (những chất có khả năng gây ra phản ứng dị ứng), nhiều bệnh nhân bị sốc phản vệ, có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Việc xác định chính xác dị nguyên giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý và tư vấn các biện pháp phòng tránh hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng dị ứng tái phát.

Nhân viên y tế của Bệnh viện Da liễu Đồng Nai lấy mẫu máu để xét nghiệm cho bệnh nhân. Ảnh: Hải Yến
Đừng chủ quan với dị ứng
Tháng 8-2024, con trai chị Trần Kim Ngân (xã An Viễn) cùng các bạn ăn bánh mì. Trong khi 6 bạn cùng ăn vẫn bình thường thì con của chị bị ngứa, khó thở. Rất may, bé lập tức được các bạn đưa vào bệnh viện nên không xảy ra sự việc đáng tiếc. Chị Ngân kể: “Lần đó, con tôi bị sốc phản vệ, lúc vào bệnh viện là huyết áp đã tụt. Bé phải nằm viện 3 ngày mới được về”.
Đến tháng 3-2025, con của chị Ngân lại bị dị ứng nhưng lần này nhẹ hơn lần trước. Ngoài dị ứng do thức ăn, khi đi bơi ở hồ bơi, con của chị cũng thường bị ngứa, nổi mề đay. Chị Ngân rất lo cho tình trạng sức khỏe của con. Vì không biết nguyên nhân gây dị ứng, chị Ngân chỉ biết phòng ngừa bằng cách không cho con ăn các thức ăn có chất bảo quản mà chỉ ăn đồ ăn do gia đình tự chế biến.
Bé Phạm Quang Cường (13 tuổi, phường Tân Triều) cũng từng bị dị ứng sau khi ăn rong nho. Khi đó, khắp người bé nổi mề đay kèm theo ho. Sau lần dị ứng đó, bé Cường còn bị dị ứng khi ăn tôm, cua trong khi lúc nhỏ bé không hề bị dị ứng với những loại hải sản này. Cũng kể từ khi bị dị ứng, Cường không dám ăn tôm, cua, tép dù rất thèm.
Dị ứng là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng dị ứng xảy ra để chống lại các chất trong môi trường được gọi là chất gây dị ứng, các phản ứng này xảy ra nhanh chóng và có thể dự đoán được.
Anh Lê Văn Thành (phường Trảng Dài) cũng từng nhiều lần bị dị ứng sau khi ăn mà không rõ bị dị ứng loại thực phẩm nào. Phản ứng của cơ thể khi bị dị ứng là: nổi mẩn ngứa khắp người, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy. Những phản ứng này xảy ra chỉ sau khi ăn khoảng 10-15 phút. Tình trạng của anh Thành được xếp vào sốc phản vệ độ 1. Rất may là đã có “kinh nghiệm” bị dị ứng nhiều lần nên anh kịp thời mua thuốc uống.
Không chỉ dị ứng do thức ăn, nhiều người còn bị dị ứng do thay đổi thời tiết, hít phải phấn hoa, hoặc do những tác nhân bên ngoài.
Những trường hợp bị dị ứng như trên không phải là hiếm. Hầu hết bệnh nhân khắc phục bằng cách kiêng không ăn những thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng và mỗi khi bị dị ứng thì lập tức đến nhà thuốc mua thuốc để uống.
Theo bác sĩ Phạm Văn Thao, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, có rất nhiều mức độ dị ứng khác nhau. Có thể có những phản ứng dị ứng rất nhẹ, bệnh nhân chỉ bị nổi mẩn ngứa. Có những bệnh nhân thì phản ứng ở mức độ trung bình, bị nổi mề đay. Nhưng có những bệnh nhân phản ứng rất mãnh liệt, dẫn đến sốc phản vệ: sưng môi, sưng mắt, phù thanh quản dẫn tới khó thở… Thậm chí, một số bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch, dẫn tới tử vong.
Tìm đúng nguyên nhân để khắc chế
Bệnh viện Da liễu Đồng Nai là đơn vị thường tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến khám do bị dị ứng. Trước đây, để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng, bệnh viện sử dụng phương pháp cổ điển là test lẩy da. Theo đó, để thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh dấu vùng da dưới cánh tay rồi nhỏ mỗi loại 1 giọt dị nguyên lên da, sau đó dùng kim châm nhẹ vào bề mặt da để dị nguyên thấm vào da.
Người bệnh sẽ đợi phản ứng xảy ra trong vòng 15-20 phút. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng, da sẽ nổi mẩn đỏ và ngứa. Xét nghiệm lẩy da thường cho kết quả chỉ sau 20 phút, chi phí thấp. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với các trường hợp có làn da quá nhạy cảm hoặc người mắc bệnh da liễu, vì kết quả có thể bị sai lệch. Ngoài ra, việc bệnh nhân đang sử dụng một số loại thuốc cũng có thể khiến cho kết quả xét nghiệm bị sai lệch.
Từ ngày 1-6-2025, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai triển khai dịch vụ xét nghiệm 64 dị nguyên. Đây là phương pháp xét nghiệm hiện đại, có độ chính xác lên đến 96%, mang đến giải pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người dân mắc các bệnh dị ứng.
Phương pháp xét nghiệm 64 dị nguyên gây dị ứng có thể xác định cùng một lúc các dị nguyên gây dị ứng trên một mẫu máu xét nghiệm, bao gồm: lông chó mèo, tôm, cua, sữa, phấn hoa, bột gỗ... Mẫu máu xét nghiệm có thể lấy ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày và không phụ thuộc vào việc có nhịn đói trước khi lấy mẫu hay không.
Bác sĩ Phạm Văn Thao cho biết: “Chỉ cần một lần thực hiện xét nghiệm là có thể xác định được hàng chục dị nguyên và tìm ra nguyên nhân gây dị ứng. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, đồng thời có biện pháp phòng tránh để tình trạng dị ứng không xảy ra trong tương lai”.
Chị Trần Kim Ngân sau khi biết tin Bệnh viện Da liễu Đồng Nai triển khai kỹ thuật xét nghiệm 64 dị nguyên đã sắp xếp đưa con đi xét nghiệm máu ngay. Chị Ngân hy vọng, với việc tìm ra chính xác nguyên nhân gây dị ứng, con trai của chị có thể thoải mái hơn trong việc ăn uống, không phải kiêng khem nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé.