Xét nghiệm cộng đồng sẽ vô nghĩa nếu không tách triệt để F0
Để bóc tách sớm F0 ra khỏi cộng đồng, chiến dịch xét nghiệm SARS-CoV-2 đang được đẩy mạnh trên toàn thành phố. Sau đợt xét nghiệm thứ nhất tỷ lệ phát hiện trong tổng số mẫu được lấy là 3,6% ở đợt quét lại lần thứ hai, tỷ lệ này vẫn còn gần 2%.
BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM cho biết, từ 23/8 đến nay, thành phố đã thực hiện gần 2 triệu mẫu xét nghiệm tại các điểm “nóng” về nguy cơ lây nhiễm ở vùng đỏ và vùng cam. Tổng số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trong số mẫu được lấy chiếm 3,6%.
Sau khi hoàn tất chiến dịch xét nghiệm lần thứ nhất tại các vùng có nguy cơ cao, từ đầu tháng 9 lực lượng y tế chuyển sang xét nghiệm “quét lại” lần thứ hai ở các vùng trên đồng thời tiếp tục xét nghiệm ở các vùng xanh và vùng vàng.
Thống kê sơ bộ công tác xét nghiệm trên diện rộng đợt hai trên tất cả các quận huyện trong ngày 1/9 cho thấy, số ca dương tính được phát hiện trên tổng số mẫu được lấy khoảng gần 2%. Điều đó cho thấy, nỗ lực xét nghiệm lần thứ nhất đã phát hiện nhiều F0, tuy nhiên số ca bệnh ngoài cộng đồng vẫn ở mức cao và có nguy cơ tiếp tục lây lan, bùng phát dịch nếu không có các giải pháp hiệu quả.
Liên quan đến hoạt động xét nghiệm cộng đồng, trao đổi với PV báo Tiền Phong, PGS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng (Bộ Y tế) cho biết, công tác xét nghiệm là cần thiết để phát hiện F0 trong cộng đồng. Đây là phương án chủ động để giúp ngành y tế nắm bắt tình trạng lây nhiễm, xác định những vùng có nguy cơ lây nhiễm ở cấp độ khác nhau từ đó có phương án phòng chống dịch phù hợp với từng địa điểm cụ thể. Mặt khác việc phát hiện dương tính cũng giúp bệnh nhân chủ động thực hiện các giải pháp theo dõi, điều trị.
Tuy nhiên, PGS Lê Thành Đồng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm ở mức độ cao việc xét nghiệm cần phải được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là những khu vực tập trung đông dân, khu vực nhà trọ.
Ông Đồng nói: “Ý thức phòng chống dịch của cộng đồng đã được nâng cao, tuy nhiên trên thực tế tại các nhà trọ hoặc những khu vực dân trí thấp, công tác phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn. Tôi đã đi thực tế tại nhiều khu vực và ghi nhận, các khu trọ công nhân rất chật hẹp, mỗi phòng khoảng trên dưới 10 mét vuông nhưng có tới 4 đến 5 người ở cùng. Mỗi khu trọ có tới hàng chục phòng nhưng hành lang chỉ rộng hơn 1 mét người dân bước ra khỏi phòng là đã đụng nhau thì khó thực hiện được 5K”.
Theo Bác sĩ Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân, thực tế công tác phòng chống dịch tại đây cho thấy đã có những khu nhà trọ sau khi xét nghiệm lần thứ nhất phát hiện nhiều ca dương tính, xét nghiệm lần thứ hai phát hiện thêm rất nhiều trường hợp khác, có những điểm hầu hết người sống trong các khu trọ đã dương tính sau nhiều lần xét nghiệm bóc tách F0.
Từ thực tế trên, quận Bình Tân đã lên phương án giãn dân tuy nhiên phương án này khó thực hiện vì địa bàn có tới gần 300 nghìn công nhân. Trong khi đó, PGS Lê Thành Đồng cho rằng, thành phố cần có phương án liên kết các địa phương để tăng khả năng tiếp nhận, hỗ trợ cho người dân tại những địa điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
F0 tại các khu nhà trọ, nơi tập trung đông dân nếu cách ly, điều trị tại nhà sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Phương án xét điều kiện cách ly tại nhà của từng trường hợp F0 cần phải được thực hiện chặt chẽ, F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà phải được chuyển đến các cơ sở cách ly tập trung. Nếu không bóc tách được F0 ra khỏi cộng đồng thì nguy cơ lây nhiễm vẫn tiếp tục đe dọa bùng phát dịch, nỗ lực xét nghiệm cộng đồng sẽ trở thành vô nghĩa vừa tốn nhân lực chuyên môn vừa tốn rất nhiều tiền của.