Xét nghiệm máu dự đoán mức độ nặng của COVID-19

Các nhà nghiên cứu đã phát minh ra một loại xét nghiệm máu có khả năng dự đoán nguy cơ mắc bệnh nặng ở những bệnh nhân COVID-19.

Trong các đợt dịch cao điểm, nhiều bệnh viện đã quá tải với số lượng lớn bệnh nhân COVID-19. Tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn trong các đợt dịch tiếp theo, nhất là khi có sự gia tăng nhanh các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Đa số người mắc COVID-19 không có hoặc có triệu chứng nhẹ. Nhưng một số trường hợp vẫn cần được chăm sóc tích cực vì viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp. Nếu chỉ dựa các yếu tố nguy cơ như tuổi già, bệnh tim, ung thư và đái tháo đường thì không đủ để dự đoán mức độ nặng của bệnh. Việc đo nồng độ một số protein hoặc chất chuyển hóa trong máu có thể có ích nhưng những xét nghiệm này thường lâu, phức tạp và tốn kém.

Xét nghiệm máu có thể dự đoán mức độ nặng của COVID-19.

Xét nghiệm máu có thể dự đoán mức độ nặng của COVID-19.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu tại Hiệp hội hóa học Hoa Kỳ đã phát minh ra một loại xét nghiệm máu có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh nặng ở các bệnh nhân COVID-19. Nhờ đó có thể giúp nhân viên y tế phân loại và chỉ định nhập viện hay chăm sóc tích cực cho các bệnh nhân này. Đây là một phương pháp có thể dự đoán mức độ nghiêm trọng của COVID-19 một cách nhanh chóng và đỡ tốn kém.

Để đo lường được những thay đổi sinh hóa máu khi mắc COVID-19 nặng, các nhà khoa học đã lựa chọn kỹ thuật tổng phản xạ suy giảm quang phổ chuyển đổi hồng ngoại Fourier (ATR-FTIR) đã được thử nghiệm trước đó để chẩn đoán COVID-19. Hai vùng phổ FTIR từ 128 mẫu huyết tương cho thấy sự khác biệt nhỏ nhưng có thể quan sát được giữa những người mắc COVID-19 nặng và không nặng.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển mô hình thống kê để dự đoán mức độ nặng của COVID-19. Họ phát hiện ra rằng, yếu tố dự đoán tốt nhất là liệu bệnh nhân có bị đái tháo đường hay không. Yếu tố quan trọng thứ hai là kết quả 2 vùng quang phổ FTIR. Kết hợp dữ liệu về FTIR vào mô hình dự đoán đã tăng độ nhạy phát hiện bệnh nặng ở một nhóm 30 bệnh nhân từ 41,2% lên 94,1%, nhưng lại làm giảm độ đặc hiệu từ 84,6% xuống 69,2%. Điều này có nghĩa là xét nghiệm FTIR có khả năng xác định nhiều trường hợp nặng hơn nhưng cũng có tỷ lệ dương tính giả cao hơn so với dữ liệu lâm sàng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy triển vọng về một loại xét nghiệm hiệu quả trong việc phân loại COVID-19 nặng nhanh, đơn giản và tiết kiệm chi phí cho các bệnh viện. Tuy nhiên cần được thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân hơn để có kết luận chắc chắn về phương pháp này.

Trần Thị Dung, Hà Xuân Nam

((Theo sciencedaily.com, 21/7/2021))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xet-nghiem-mau-du-doan-muc-do-nang-cua-covid-19-n198113.html