Xét nghiệm phát hiện suy tim tại nhà

Một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học bang Colorado (Mỹ) vừa phát triển được nguyên mẫu cảm biến sinh học điện hóa trông giống bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (LFT) COVID-19.

Cảm biến phát hiện được hai dấu vết sinh học quan trọng của suy tim chỉ bằng một giọt nước bọt, cho kết quả sau 15 phút.

Suy tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, đặc biệt nguy hiểm với người không đủ điều kiện đến cơ sở y tế thăm khám thường xuyên. Theo nghiên cứu sinh Trey Pittman (thành viên nhóm nghiên cứu): “Thiết bị của chúng tôi rất lý tưởng cho người có nguy cơ suy tim cao mà lại bị hạn chế về khả năng tiếp cận bệnh viện hay đơn vị xét nghiệm tập trung”.

Mẫu cảm biến sinh học điện hóa - Ảnh: Trey Pittman

Mẫu cảm biến sinh học điện hóa - Ảnh: Trey Pittman

Xét nghiệm tại nhà

Suy tim xảy ra khi cơ tim suy yếu làm giảm khả năng bơm đủ máu có oxy đi khắp cơ thể. Hiện tại cách phát hiện suy tim đáng tin cậy nhất xét nghiệm máu 2 lần/năm, đo nồng độ peptide natriuretic loại B (BNP) báo hiệu tim đang chịu căng thẳng.

Tuy nhiên tiến bộ trong công nghệ chăm sóc y tế tại chỗ đem lại các phương pháp xét nghiệm nước bọt đơn giản hơn, cho phép mọi người theo dõi sức khỏe tim mạch mỗi vài tuần thay vì chờ kiểm tra 2 lần/năm.

Bất chấp tiềm năng lớn, quy trình sản xuất phức tạp và việc thiếu dữ liệu toàn diện ngăn cản xét nghiệm nước bọt được áp dụng rộng rãi.

Nhóm của ông Pittman cố gắng giải quyết thách thức và thu được kết quả ban đầu là nguyên mẫu cảm biến sinh học điện hóa giá thành thấp, thân thiện với người dùng mang tên bộ xét nghiệm miễn dịch mao dẫn điện hóa (eCaDI). Họ kết hợp hai phát minh trước đó để cho ra đời thành phẩm mới phát hiện được dấu vết protein Galectin-3 và protein S100A7 từ nước bọt. Hai protein này có mối tương quan chặt chẽ với suy tim.

Bộ eCaDI gồm 5 lớp: 2 lớp chất dính xen kẽ giữa 3 lớp nhựa. Nhóm chỉ mất 20 - 30 phút tạo ra 5 bộ xét nghiệm. Mỗi bộ chỉ khoảng 3 USD, sử dụng một lần.

Trong thí nghiệm trình diễn, eCaDI thành công phát hiện Galectin-3 và S100A7. Sắp tới nhóm sẽ tiến hành thử nghiệm trên người tại Đại học Griffith.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xet-nghiem-phat-hien-suy-tim-tai-nha-222880.html