Xét tuyển đại học và 'cơn sốt' chứng chỉ IELTS

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học lớn ngoài giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực, sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS. Sự thay đổi này khiến nhiều thí sinh cấp tốc học và thi IELTS để xét tuyển.

Việc tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS hiện có nhiều quan điểm khác nhau.

Việc tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS hiện có nhiều quan điểm khác nhau.

Đổ xô đi học thi chứng chỉ ELTS

Năm 2021, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở thành “tấm vé” đặc biệt giành suất vào những trường đại học mơ ước, thay vì phải thấp thỏm chờ đợi cả tháng sau đó với những thí sinh 27, thậm chí 30 điểm vẫn không đỗ vào ngành học yêu thích.

Theo thống kê của Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển kết hợp IELTS vào trường cao gấp hơn 5 lần chỉ tiêu. Trong khi đó, thí sinh tuyển sinh vào Trường Đại học Y Dược TP HCM cũng nộp hồ sơ xét chứng chỉ gấp 3, 6 lần chỉ tiêu…

Năm 2022 này, thay vì dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như những năm trước, các trường đã công bố phương án tuyển sinh với điểm chung là giảm chỉ còn từ 50% chỉ tiêu trở xuống cho phương thức này.

Thậm chí, ở một số trường top, số lượng chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức đã giảm xuống còn 10 - 20%, thấp nhất từ trước đến nay. Số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển đại học có sử dụng chứng chỉ quốc tế gia tăng, một số trường thậm chí dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ quốc tế.

Việc các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS khiến nhiều thí sinh đang chuyển hướng học và thi lấy chứng chỉ IELTS. Năm 2021, cả nước có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Trên các nhóm diễn đàn mạng xã hội, không ít học sinh lớp 12, phụ huynh sốt sắng tìm kiếm lớp dạy thi chứng chỉ ngoại ngữ cấp tốc. Bởi đến thời điểm này, nhiều học sinh lớp 12 vốn dự định chỉ tập trung học để thi tốt nghiệp THPT, đã chuyển hướng dành thời gian và một khoản đầu tư thi IELTS cho yên tâm.

Ngọc Linh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, hiện tại khi đã kết thúc học kỳ 1, việc bắt đầu lo ôn thi IELTS với những bạn chưa từng luyện thi là khá chật vật và quá muộn. Chưa kể, phụ huynh phải dành một khoản đầu tư ít nhất cũng 10 triệu trở lên với những em đã từng luyện thi khá kỹ càng trước đó. Thậm chí có trung tâm lên tới hàng trăm triệu nhưng không phải em nào cũng đạt kỳ tích 7.0 - 8.0 như kỳ vọng của phụ huynh…

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi Hóa tại Hà Nội nhận định, nhiều trường hiện nay mở rộng tuyển sinh bằng phương thức xét chứng chỉ IELTS. Do vậy, phụ huynh ở các thành phố lớn quyết định cho con học chứng chỉ IELTS để “giắt lưng”. Một số học sinh cũng đang có tâm lý “đổ xô” đi học vì lo sợ tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao.

Có “bội thực” và lãng phí?

Ở góc độ khác, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, nếu xét trên lợi ích chung của xã hội thì việc đổ xô đi học và thi chứng chỉ IELTS không hẳn có lợi: “Trào lưu này có phần giống với du học tự túc khoảng 5-10 năm trước. Lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc cộng gộp lại là rất khổng lồ.

IELTS chỉ nên là một trong các tiêu chí để xét tuyển với tỷ lệ hạn chế và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp, hơn là mở rộng một cách tràn lan. Cùng với đó, không nên lấy năng lực tiếng Anh làm giới hạn cả đầu vào lẫn đầu ra của sinh viên. Nhiều trường hiện nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên lên cao dần. Sẽ có những sinh viên năng lực chuyên môn rất tốt nhưng hạn chế ngoại ngữ không thể ra trường. Như vậy là rất vô lý”.

Thầy Ngọc cho rằng, thực tế ở bất cứ ngành nghề nào, phần lớn mọi người vẫn thực hiện tốt công việc của mình mà không cần thường xuyên sử dụng ngoại ngữ ở trình độ cao. Những bạn biết tiếng Hàn, tiếng Trung trong những năm gần đây mới có lợi thế lớn (điểm chuẩn những ngành này cũng rất cao). Hãy để thực tế nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của xã hội điều tiết việc học ngoại ngữ, không nên dùng công cụ hành chính để áp đặt.

“Chúng ta cho trẻ con học tiếng Anh miệt mài từ cấp mầm non, tới hết phổ thông, rồi chốt lại bằng chứng chỉ IELTS. Suốt mười mấy năm trời cho 1 ngoại ngữ như vậy có thật sự ổn không?”, thầy Ngọc bày tỏ.

Mặt khác, không ít chuyên gia tuyển sinh cho rằng, bản chất tuyển sinh đại học thì cần có năng lực học tập, tư duy, kỹ năng để chứng minh khi học tại trường. Vì thế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là phần nào đó thôi. Với cách tuyển sinh hiện nay của nhiều trường, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang chiếm trọng số khá lớn khiến ảnh hưởng đến các phần còn lại.

Trước sự lo lắng của thí sinh, đặc biệt là những em ở nông thôn, vì có thể thiệt thòi, mất cơ hội vào các trường top trên khi các trường thêm tiêu chí IELTS, TOEFL..., bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định, nếu các em xác định mục tiêu phù hợp năng lực và nỗ lực hết mình thì sẽ không mất cơ hội vào đại học mà mình yêu thích.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2021, tỉ lệ các trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là hơn 92%. Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác chưa đến 10%. Như vậy, 2 năm vừa qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều.

Hơn nữa, theo bà Thủy, một số cơ sở giáo dục đại học thuộc top đầu và các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh, việc các trường sử dụng thêm tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, có tính hội nhập quốc tế.

Tiêu chí về IELTS, TOEFL cũng không phải là duy nhất. Thông thường, các trường còn căn cứ kết hợp cả kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT và cũng chỉ một phần chỉ tiêu là được xác định tuyển sinh bằng phương thức này.

Bà Nguyễn Thu Thủy nhận định, trong năm 2022, tình hình dịch COVID-19 có thể chưa được khống chế hoàn toàn, chưa đủ điều kiện thuận lợi để các trường tổ chức thi riêng và thi đánh giá năng lực một cách phổ biến. Do đó, tỉ trọng nhập học đối với các phương thức vẫn có thể tương tự và ổn định như năm 2020-2021.

Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh thì cần bảo đảm sự ổn định, tránh việc gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh. Các tiêu chí tuyển sinh cần phù hợp với ngành đào tạo và phân loại được thí sinh. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thí sinh và công bằng giữa các cơ sở đào tạo, các vùng miền, khu vực.

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xet-tuyen-dai-hoc-va-con-sot-chung-chi-ielts-post431768.html