Xét xử 13 người vụ lợi dụng chính sách hỗ trợ tàu cá chiếm đoạt hơn 34 tỉ đồng
13 bị cáo trong đó có 5 chủ tàu cá và các cựu cán bộ, lãnh đạo ở một số đơn vị của ngành NN&PTNT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bị đưa ra xét xử sáng 11-1.
Sáng 11-1, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đưa ra xét xử 13 bị cáo về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội mua bán trái phép hóa đơn.
Trong đó các bị cáo có nhiều chủ tàu cá; cựu cán bộ Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; cựu cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT.
HĐXX cũng mời những người tham gia tố tụng khác. Trong đó bị hại vụ án là UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Theo cáo trạng, tháng 2-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 17 sửa đổi Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư.
Chủ tàu là các bị cáo Trần Văn Tài, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Sang đều nằm trong danh sách của tỉnh đủ điều kiện đóng mới tàu cá vỏ composite để hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư nhưng lúc ấy lại chưa có vốn.
Tháng 8-2019, Sang thỏa thuận với Lê Minh Xuân (giám đốc một công ty tại TP Vũng Tàu) về việc Xuân đóng tàu cho Sang tại công ty TNHH đóng tàu Vĩnh Khương (Cam Ranh, Khánh Hòa). Giá vỏ tàu là 5,3 tỉ đồng. Xuân cho Sang tạm ứng tiền để đóng vỏ tàu và cho nợ để mua một số máy móc, động cơ gắn với thân tàu.
Biết việc làm ăn của cả hai nên Tài và Hiếu cũng liên hệ nhờ Xuân đứng ra đóng tàu cho mình thì Xuân đồng ý, thỏa thuận đóng tàu tại công ty TNHH đóng tàu Thanh Tú (Cần Giờ, TP.HCM). Giá đóng vỏ tàu của Tài là 4,5 tỉ đồng, còn Hiếu là khoảng 4 tỉ đồng.
Quá trình đóng 3 tàu trên, hai công ty đóng tàu đều liên hệ với Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản để đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Sau đó, Xuân hướng dẫn Tài, Hiếu và Sang ký kết các hợp đồng kinh tế, mua bán khống (một phần/toàn bộ) giá trị vỏ tàu và trang thiết bị lắp đặt để hợp thức hóa việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT đưa vào hồ sơ quyết toán. Việc này nhằm nâng giá thành đóng tàu cao hơn thực tế.
Trong quá trình đăng kiểm, nhóm các bị cáo Nguyễn Vũ Hà, Nguyễn Quốc Công (nhân viên trung tâm Đăng kiểm thuộc Tổng cục Thủy sản) dù biết cả 3 tàu này đều đang đóng dở dang, chưa đủ điều kiện nhưng vẫn lập các biên bản kiểm tra xác định tàu đã thi công hoàn thiện. Sau đó, bị cáo Đào Hồng Đức (giám đốc trung tâm đăng kiểm) đã cấp sổ đăng kiểm cho 3 tàu cá trên.
Tháng 11-2020, nhóm Xuân nộp hồ sơ tại Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản và chi hỗ trợ theo Nghị định 17. Lúc này, bị cáo Nguyễn Đức Hoàng (Phó Chi cục trưởng) và Đinh Cao Thượng (trưởng phòng Quản lý nghề cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá) trong quá trình kiểm tra, giám sát thi công biết cả 3 tàu đều đang đóng dở, không đủ điều kiện thụ lý hồ sơ để giải quyết vẫn thụ lý hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận khai thác thủy sản.
Sau đó, bị cáo Hoàng chủ trì họp tổ thẩm định, kết luận giá thành đóng tàu của Tài là hơn 18,7 tỉ đồng, đề nghị hỗ trợ hơn 6,5 tỉ đồng; tàu của Hiếu đóng hơn 18,6 tỉ đồng, đề nghị hỗ trợ hơn 6,5 tỉ đồng; tàu của Sang là hơn 18,7 tỉ đồng, hỗ trợ 6,55 tỉ đồng. Tháng 11-2020, ông Trần Văn Cường, giám đốc Sở NN&PTNT đã ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt chi hỗ trợ cho 3 tàu với số tiền như trên.
Sau đó cả ba đã nhận toàn bộ tiền hỗ trợ nhưng không đồng ý trả tiền cho Xuân như thỏa thuận nên Xuân cũng không giao tàu.
Ngoài nhóm của Sang, Xuân còn nhận đóng vỏ tàu thép cho Nguyễn Văn Hùng và Đặng Thế Hùng, thỏa thuận chia tiền, cách thức tiến hành gần như tương tự với nhóm của Sang…
Cáo trạng kết luận, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 34 tỉ đồng.