Xét xử các bị cáo trong vụ lộ đề thi môn Sinh học: Trùng nội dung không thể tránh khỏi?

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thị My, SN 1963, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Bùi Văn Sâm, SN 1949, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đều là cựu giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: N.N

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: N.N

Từ nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học...

Theo cáo trạng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 6/7 đến ngày 9/7/2021, đợt 2 từ ngày 5/7 đến ngày 7/8/2021. Sau khi kết thúc kỳ thi đợt 1, dư luận, báo chí phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học. Theo đó, đề thi môn Sinh học “giống 80%” so với đề ôn tập trên mạng Intenet của ông Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) tiến hành kiểm tra, xác minh… Kết quả điều tra xác định, Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong đó, Bùi Văn Sâm làm Tổ trưởng, Phạm Thị My làm Tổ phó.

Do Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm đã tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi các năm trước (2019, 2020) và biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên, nên năm 2021, My, Sâm đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi. Sau đó, sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn xây dựng thành đề thi chính thức.

Hành vi của Phạm Thị My, Bùi Văn Sâm vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021. Đồng thời, họ dùng các câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho 8 học sinh là những người thân quen. Sau đó, sắp xếp vào các vị trí và định hướng lựa chọn các mã đề làm nguồn xây dựng đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Sinh học năm 2021.

Tại tòa, bị cáo Sâm khai, trong các đợt làm đề, ông vẫn được bà My 3 lần đưa cho các quyển câu hỏi lấy ra từ khu vực quy định, trong đó có các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Sau đó, ông trực tiếp chỉnh sửa, đưa lại cho bà My để đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.

Chỉ là ý tưởng câu hỏi?

Quá trình khai báo, ông Sâm thừa nhận mang các câu hỏi này dạy cho bốn học sinh sắp thi tốt nghiệp. Ông Sâm khẳng định, mình chỉ cho các cháu mượn photocopy lại tài liệu câu hỏi mình và bà My trao đổi trước đó.

Trong khi đó, bị cáo My cho rằng, nhiều chi tiết trong cáo trạng chưa chính xác. Bà My khai, tài liệu bà mang ra khỏi khu vực xây dựng đề thi không phải là câu hỏi, chỉ là ý tưởng câu hỏi do bà nghĩ ra. Từ các ý tưởng này, hai người đã chỉnh sửa thành câu hỏi để đưa vào ngân hàng câu hỏi. Bà My cho rằng, ông Sâm cao tuổi, trí nhớ không tốt nên mới khai bà mang câu hỏi đã in sẵn ra đưa cho ông. Bởi theo trí nhớ của bà, không có tập tài liệu nào, mà chỉ là một mảnh giấy A4 bà viết tay.

Ngoài ra, bà My cũng phủ nhận việc mang câu hỏi trong đề thi do mình xây dựng dạy cho 4 học sinh. Bà My khẳng định từ lúc nghỉ hưu, bà không dạy thêm hay ôn cho ai, chỉ tư vấn phương pháp ôn thi, đánh giá mức độ giải bài tập, hiểu lý thuyết của các cháu thế nào. Theo bà My, kiến thức sẵn có trong sách, việc trùng nội dung không thể tránh.

HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc cho dư luận. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là kỳ thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, khảo sát năng lực của các trí thức trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, mà còn là thước đo kết quả của công tác giáo dục và đào tạo. Kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên. Xảy ra hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hướng xấu đến uy tín của Nhà nước, ngành giáo dục. Việc xét xử các bị cáo với các hành vi phạm tội lần này ngoài tác dụng giáo dục riêng với các bị cáo còn là bài học cảnh tỉnh với người khác manh tâm phạm tội tương tự.

HĐXX nhận định, đủ cơ sở khẳng định các bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố. Do đó, tòa tuyên bị cáo Phạm Thị My 13 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Bùi Văn Sâm 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Với ông Phan Khắc Nghệ, giảng dạy trên mạng Internet có nhiều nội dung giống với tài liệu do Phạm Thị My và Bùi Văn Sâm biên soạn và đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học năm 2021. Tuy nhiên, kết quả điều tra đến nay không có căn cứ xác định ông Phan Khắc Nghệ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác hoặc cố ý làm lộ bí mật công tác, nên không có căn cứ xử lý.

Trước đó, xung quanh nghi vấn lộ đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra ngày 28/6, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi môn Ngữ văn xuất hiện trên mạng vào khoảng 8h ngày 28/6. Bộ GD&ĐT đã nắm bắt thông tin và chuyển cho Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an vào cuộc. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Bộ GD&ĐT chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài vào phòng thi. Bộ GD&ĐT khẳng định, thông tin trên không ảnh hưởng đến kỳ thi vì khả năng tương tác chỉ ở một thí sinh.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xet-xu-cac-bi-cao-trong-vu-lo-de-thi-mon-sinh-hoc-trung-noi-dung-khong-the-tranh-khoi-344534.html