Xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Nhà đầu tư mong muốn sớm được bồi thường
Tại phiên xét xử, nhiều nhà đầu tư mong sớm được bồi thường, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trịnh Văn Quyết để nhanh chóng giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi cho người mua cổ phiếu.
Ngày 24/7, phiên xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Thao túng thị trường chứng khoán",... xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số đơn vị liên quan tiếp tục làm việc.
Trong phiên tòa hôm nay, một số bị hại là nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros đã có ý kiến về phương án khắc phục hậu quả vụ án.
Một nhà đầu tư ở Đà Nẵng cho biết, ông đã mua cổ phiếu ROS qua sàn chứng khoán HoSE, khi đó cổ phiếu ROS nằm trong rổ VN30. Ông mong muốn sớm được bồi thường thiệt hại, đảm bảo quyền lợi cho người mua cổ phiếu.
Một bị hại trú tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết ông mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros từ khoảng năm 2018-2019, hiện còn nắm giữ 1.300 cổ phiếu.
Theo lời người này, cổ phiếu hiện vẫn nắm giữ, chưa có thiệt hại. Vì vậy, bị hại đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quyết để cựu Chủ tịch FLC về tiếp tục sản xuất kinh doanh, giúp cổ phiếu ROS tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Một bị hại khác cũng thể hiện mong muốn HĐXX sớm giải quyết vụ án, "để anh Quyết về giải quyết hậu quả. Tôi nghĩ rằng anh Quyết là người sẽ giải quyết hiệu quả nhất".
Một nhà đầu tư đang sở hữu 200.000 cổ phiếu ROS, đề nghị được cho giao dịch lại loại cổ phiếu này, hoặc đền bù bằng số tiền nhà đầu tư đã mua cổ phiếu.
Trong khi đó, một bị hại trú tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) nắm giữ 150.000 cổ phiếu ROS trình bày nguyện vọng muốn bán lại số cố phiếu này và mong bị cáo Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu của những cổ đông không còn muốn đồng hành với doanh nghiệp nữa.
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự, trả lời HĐXX về phương án khắc phục hậu quả, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết) cho biết, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của vợ chồng ông Quyết và bà này. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số nhà băng. Bà Diệp đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả.
Vợ cựu Chủ tịch FLC cho biết thêm, trong suốt quá trình bị tạm giam, mong muốn của ông Quyết là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này.
Tính đến nay, tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết và gia đình khắc phục hậu quả vụ án là gần 240 tỷ đồng.
Trước đó, trả lời HĐXX về mục đích hành vi phạm tội, bị cáo Quyết trình bày: Chưa bao giờ bị cáo có ý định chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Việc mua lại Công ty Faros là chỉ muốn có một công ty làm xây dựng để chủ động trong hoạt động đầu tư, xây dựng của FLC và sau đó là triển khai mở rộng thực hiện các công trình bên ngoài phạm vi Tập đoàn.
Thời điểm 2020-2021, do dịch Covid-19, khó khăn về tài chính nên bị cáo đã bán cổ phiếu của Faros. Tuy nhiên, trong suy nghĩ và kế hoạch thì bị cáo mong bán ra rồi sẽ mua lại, nhưng đến năm 2022 bị bắt nên không thực hiện được.
Trước cáo buộc về trách nhiệm bồi thường gần 4.300 tỷ đồng, bị cáo Quyết nói "xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng để khắc phục".
Bị cáo mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để được xử lý tài sản cá nhân đang bị phong tỏa 2 năm qua nhằm khắc phục hậu quả vụ án.