Xét xử đại án Nhật Cường: Hàng nghìn tỷ được chuyển ra nước ngoài thế nào?
Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án 'Buôn lậu', 'Rửa Tiền' xảy ra tại Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), các bị cáo khai nhận số tiền mua hàng được chuyển ra nước ngoài thông qua hai tiệm vàng.
Chiều 5/5, khai trước tòa, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) cho biết nguồn hàng (điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh ...) chủ yếu của công ty được mua từ các hãng lớn trong nước và mua từ nước ngoài.
Trước tháng 7/2015, việc mua hàng do Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Nhật Cường) đảm nhận. Sau này, Huy giao cho Ánh phụ trách.
Theo Ánh, việc mua hàng thì có cả hóa đơn hoặc thuê đơn vị vận chuyển, trốn khai báo hải quan để "né" thuế. Phần mình, Ánh được giao nhiệm vụ mua hàng không có "giấy tờ’.
Trình bày trước tòa, Anh cho biết, sau khi mua hàng, các bị cáo không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó là thuê các đơn vị vận chuyển vận chuyển trái phép về Việ Nam.
Cũng tại phiên xét xử ngày 5/5, HĐXX - TAND thành phố Hà Nội đã tiến hành hỏi về việc chuyển một lượng tiền lên tới hơn 2.500 tỷ đồng của Nhật Cường để mua hàng hóa từ nước ngoài.
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) cho biết mình là người được giao thanh toán tiền cho các chủ hàng. Việc thanh toán này thông qua trung gian là hai cửa hàng vàng tại Hà Nội. Số tiền được chuyển lên tới hơn 2.500 tỷ đồng trong một thời gian dài.
Trước đó, làm việc với cơ quan điều tra, chủ hai cửa hàng vàng này đã phủ nhận việc làm "trung gian" chuyển tiền cho Công ty Nhật Cường. Theo bị cáo Ngọc, hai cửa hàng vàng này ở phố Hà Trung và Hàng Dầu (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Chủ tọa phiên tòa đã công bố tài liệu điều tra cho thấy Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thong qua hai cửa hàng vàng này để chuyển tiền ra nước ngoài. Trong đó, cửa hàng ở Hà Trung chuyển hơn 1.700 tỷ; cửa hàng tại Hàng Dầu chuyển gần 800 tỷ đồng. Đáp lại, bị cáo Ngọc xác nhận những thông tin trên là đùng.