Xét xử nhóm bảo kê chợ Long Biên: Hành động lạ của con trai bị cáo Dương Quốc Vương
Sau cuộc nói chuyện trực tiếp với bị hại Nga, con trai của bị cáo Dương Quốc Vương thay đổi thái độ hằn học, tức giận trước đó đối với phía bị hại.
Clip: Xét xử nhóm bảo kê chợ Long Biên: Hành động lạ của con trai bị cáo Vương
Tại phiên tòa xét xử nhóm bảo kê chợ Long Biên, sáng nay, sau khi HĐXX đưa ra phán quyết đối với các bị cáo, một nam thanh niên có lời nói, cử chỉ không đúng mực với phía bị hại Nga.
Chứng kiến sự việc, một phóng viên (PV) hỏi người thân của chị Nga về danh tính của nam thanh niên kia thì được mọi người nói là con trai của bị cáo Dương Quốc Vương (còn gọi là Vương "lợn"). Tuy nhiên, nam thanh niên này không nhận mình là con trai bị cáo Vương khi được PV hỏi.
"Con trai của bị cáo Vương hất hàm hỏi Nga đã hài lòng chưa và tỏ rõ sự hậm hực. Thấy vậy, tôi mới lôi điện thoại ra để chụp hình lại", một người thân của bị hại Nga cho hay.
Sau đó, khi mọi người về gần hết, nam thanh niên này mới tiến đến nói chuyện với bị hại và thừa nhận mình là con trai của bị cáo Vương. Lúc này, nam thanh niên thay đổi thái độ hoàn toàn khác so với trước đó.
"Cô với bố cháu không có xích mích gì và khi cô gặp bố cháu lần cuối cùng ở nhà chú Tình, cô cũng nói với bố cháu rằng "Anh Vương à, anh phải biết được việc làm của ông Hưng kính đang rất là sai, anh nghe em, đừng làm theo họ là anh phạm tội đó. Cô nói với bố cháu vì cũng từng là người làm ở chợ, nhưng bố cháu không nghe".
Thời gian trước đó, cô và bố cháu cũng hay hỏi han nhau. Cháu phải hiểu là bố cháu sai thế nào thì chúng ta mới gặp nhau ở đây", bị hại Nga nói.
Đáp lại lời nói chân tình của chị Nga, nam thanh niên nói: "Thôi cô ạ, giờ bố cháu sai thì cũng nhận bằng bản án rồi ạ".
Bà Nga cũng bày tỏ hy vọng bị cáo Dương Quốc Vương cải tạo tốt để được nhận giảm bản án và thẳng thắn chia sẻ lí do vì sao không kháng án.
"Tại sao cô không kháng án, bởi vì cô mong muốn các bị cáo nhận ra được cái sai của mình để sửa đổi, để sau này ra xã hội đừng đối xử như vậy đối với các tiểu thương khác như cô", chị Nga bày tỏ.
Sau những lời nói thẳng thắn và chân tình của chị Nga, nam thanh niên nhận thấy lỗi sai của mình và cuộc nói chuyện giữa hai người kết thúc bằng cái bắt tay chứa nhiều cảm xúc.
Trước đó vào sáng cùng ngày, TAND TP Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", sinh năm 1963, ở Hàng Đậu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) 4 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, 49 tuổi) nhận mức án 3 năm tù.
Ba bị cáo còn lại gồm Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, 56 tuổi), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, 57 tuổi), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, 51 tuổi) cùng nhận mức án 3 năm 6 tháng tù.
Trong bản án, chủ tọa đánh giá các bị cáo thành khẩn khai báo hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ.
HĐXX có đủ căn cứ xác định để tăng thu nhập, Hưng "kính" chỉ đạo đồng phạm lấy danh nghĩa tổ bốc dỡ số 2 để chèn ép, đe dọa gây khó khăn cho tiểu thương chợ Long Biên.
Từ ngày 14/3 đến 1/9/2018, Hưng chỉ đạo đồng phạm thu của chị Nga hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp cho ban quản lý chợ hơn 3 triệu.
Quá trình điều tra, đàn em của Hưng khai từ tháng 1 đến tháng 9/2018, họ được chia tổng số tiền hơn 46 triệu đồng.
HĐXX xác định hành vi của 5 bị cáo gây bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, gây hoang mang dư luận nên áp dụng các hình phạt nói trên.
Theo cáo trạng, năm 2008, vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga và anh Hoàng Anh Hà (Ba Đình, Hà Nội) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên thường xuyên bị các nghi can trên đe dọa, chèn ép để bắt phải nộp nhiều loại tiền bảo kê.
Ngày 10/8/2018, chị Nga gửi đơn tố giác Hưng "kính" và các nhân viên trong tổ bốc dỡ cưỡng đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng lên Công an TP Hà Nội.
Từ tố cáo của chị Nga, cơ quan chức năng điều tra và xác định: Từ 14/3/2018 đến 1/9/2018, lợi dụng công việc của mình, Hải, Long, Vương thu của chị Nga số tiền hơn 35 triệu đồng.
Trong đó, chỉ có hơn 7,5 triệu đồng là tiền nhân viên tổ dịch vụ bốc dỡ số 2 tham gia bốc dỡ hàng hóa, còn lại là tiền “bãi”, tức là tiền không bốc dỡ, bắt ép chị Nga phải nộp và chiếm đoạt.
Để gây sức ép, buộc chị Nga phải nộp tiền, Hưng "kính" chỉ đạo đàn em sử dụng nhiều thủ đoạn như: đuổi xe, đuổi nhân viên của chị Nga, không cho tự bốc dỡ; bắt ép chị Nga phải nộp tiền bốc dỡ hàng hóa dù không bốc dỡ hàng; kéo cá thối đặt cạnh ki ốt của chị Nga nhằm cản trở việc kinh doanh; tăng tiền thu đối với dịch vụ bốc dỡ hàng hóa của chị này…
Nguyễn Hữu Tiến nhận của Hải, Long và Vương số tiền hơn 35 triệu đồng, song chỉ nộp về Ban quản lý chợ hơn 10 triệu đồng. Cơ quan công an xác định, Tiến phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 24 triệu đồng không nộp về Ban quản lý chợ Long Biên. Tiến đồng phạm với Hưng, Hải, Long, Vương về hành vi chiếm đoạt hơn 28 triệu đồng của các nạn nhân.
Đối với việc chị Nga, anh Hà khai từ năm 2010 đến năm 2017 bị Hưng "kính" chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, Hưng không thừa nhận.
Do chỉ có lời khai của chị Nga, anh Hà mà không có chứng cứ chứng minh nào khác nên CQĐT cho rằng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hưng ở điểm này. Cơ quan điều tra tách tài liệu để điều tra, làm rõ, xử lý sau.