Xét xử nhóm tội phạm buôn lậu động vật quý hiếm
Ngày 30-10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa các bị cáo: Đỗ Văn Tân (sinh năm 1976), Dương Văn Mạnh (sinh năm 1972) và Cấn Đăng Khoa (sinh năm 1981), đều trú ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, ra xét xử về tội 'Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm'.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Theo cáo trạng truy tố, khoảng giữa tháng 2-2021, Tân đang làm việc tại cây xăng của gia đình ở thôn 2, xã Phụng Thượng thì có một người đàn ông (không xác định lai lịch) đi xe ô tô không rõ biển kiểm soát đến đổ xăng. Người này nói chuyện với Tân về việc anh ta có 1 con gấu đông lạnh muốn bán với giá 80 triệu đồng và 16 chi gấu. Nếu Tân mua con gấu đông lạnh kia, anh ta sẽ tặng kèm số chi gấu.
Là người từng có thâm niên buôn bán động vật hoang dã, nhận thấy con gấu đông lạnh giá 80 triệu đồng là món hời nên Tân đồng ý mua. Thỏa thuận xong, một lúc sau, người đàn ông quay lại mang theo 1 cá thể gấu cùng 16 chi động vật được bọc trong cùng một bao tải dứa màu đen. Tân mở bao tải kiểm tra, thấy bên trong là 1 cá thể gấu đông lạnh được nhuộm vàng vằn đen trên thân, nhìn giống loài hổ, kèm theo đó là 16 chi động vật. Khi Tân thắc mắc, người đàn ông bán gấu nói, anh ta “ngụy trang” cho giống hổ để dễ bán.
Mua bán xong, Tân gọi Khoa và Mạnh (anh vợ Tân) đến cùng mang cá thể gấu ngựa đông lạnh và 16 chi động vật nêu trên về cất vào tủ đông lạnh của Tân để trong bếp nhà Mạnh. Hôm sau, Mạnh hỏi Tân: “Sao lúc trước bảo gấu, mà bây giờ là hổ”. Tân nói, đó là gấu giả hổ và nhờ Mạnh giữ kín việc cất giấu gấu cũng như chú ý hoạt động của tủ cấp đông. Sau đó, Tân quảng cáo rao bán hổ.
Khoảng 12h30 ngày 13-5-2021, Tân bảo Khoa đưa một khách muốn mua hổ đến nhà Mạnh để xem cá thể gấu ngựa được nhuộm màu vàng vằn đen trên thân giống loài hổ và 16 chi động vật. Khi Khoa và Mạnh vừa cho khách xem xong thì Công an xã Phụng Thượng và tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) vào kiểm tra, thu giữ toàn bộ tang vật.
Kết quả giám định cho thấy, cá thể gấu ngựa có tên khoa học là Ursus thibetanus; 6 chi loài gấu ngựa có tên khoa học Ursus thibetanus; 10 chi của loài cầy mực có tên khoa học Arctictis binturong. Tất cả đều thuộc động vật nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Ngoài ra, không đủ cơ sở khoa học để xác định số chi trên của bao nhiêu cá thể và độ tuổi.
Quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện 1 cá thể gấu ngựa còn sống và 1 cá thể hổ đông lạnh tại một căn nhà cấp 4. Căn nhà này vốn được Tân xây dựng trên mảnh đất thuê của chính quyền địa phương. Do chưa thể làm rõ nguồn gốc và những người liên quan đến các cá thể gấu ngựa, hổ nên cơ quan điều tra quyết định tách rút phần tài liệu này ra để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Bị đưa ra xét xử tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
Sau khi xem xét tính chất mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Tân 42 tháng tù; Mạnh và Khoa cùng bị áp dụng 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, theo đúng tội danh bị truy tố.
Riêng bị cáo Đỗ Văn Tân có 1 tiền án cũng về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm" khi bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử phạt 30 tháng tù (cho hưởng án treo) vào năm 2010. Trước đó, Tân đã bị Công an thị xã Sơn Tây phạt hành chính về hành vi vận chuyển 3 cá thể rắn hổ mang nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.