Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo cho rằng bị truy tố quá nặng

Chiều 25/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục diễn ra phần bào chữa cho các bị cáo. Nhiều bị cáo cho rằng bản thân chỉ tham gia giúp sức rất nhỏ nhưng bị truy tố quá nặng, mong được xem xét lại.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 25/3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 25/3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bào chữa cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư không đồng tình với mức án từ 19-20 năm tù giam do Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho bị cáo vì tội “tham ô tài sản”. Luật sư cho rằng bị cáo Tâm làm việc xuất phát từ sự tin tưởng vào bị cáo Trương Mỹ Lan, làm việc vô tư với cương vị là một người làm công ăn lương. Bị cáo Tâm chỉ được giao quản lý các tài sản nhỏ lẻ tại Vạn Thịnh Phát, vai trò trong vụ án là mờ nhạt. Trên thực tế, công việc chính hàng ngày của bị cáo Tâm chỉ là chuyển giao, cung cấp thông tin, không thật sự là người quản lý tài sản. Luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét lại hoàn cảnh và vai trò thực chất của bị cáo Tâm trong vụ án để có mức hình phạt phù hợp với hành vi của bị cáo. Việc truy tố bị cáo là đồng phạm với Trương Mỹ Lan là quá nặng so với hành vi của bị cáo.

Tự bào chữa cho bản thân, Đặng Phương Hoài Tâm trình bày, theo cáo trạng ghi rằng bị cáo là người “quản lý tài sản” của Vạn Thịnh Phát nhưng thực tế “tài sản” ở đây chỉ là danh sách tên các công ty trên một file mềm. Nhiệm vụ của bị cáo là cập nhật danh sách các công ty này. Công ty nào được cấp trên đem đi thế chấp ngân hàng thì bị cáo gạch bỏ, công ty nào mới được thành lập và được cấp trên đưa thông báo xuống thì bị cáo cập nhật thêm vào file này. Bị cáo Tâm cũng khẳng định không tham gia “giải quỹ” và không hiểu cụm từ này nghĩa là gì vì trong suốt thời gian làm việc bị cáo chưa từng tham dự bất kỳ một cuộc họp nào, chưa từng nhận ý kiến chỉ đạo nào từ bị cáo Trương Mỹ Lan hay các cấp quản lý khác tại Vạn Thịnh Phát, cũng không ký bất kỳ giấy tờ nào. Lời khai của các cựu lãnh đạo tại Vạn Thịnh Phát trước đó tại tòa cũng đã chứng minh rằng bị cáo không biết và không liên quan gì đến việc “giải quỹ”.

Bị cáo Tâm cũng cho biết thêm, bản thân chỉ có trình độ trung cấp kế toán, không được đào tạo thêm về nghiệp vụ ngân hàng hay quản trị kinh tế. Vì thế, nghiệp vụ quản lý hạn chế. Tuy chức danh là lãnh đạo văn phòng nhưng thực tế đây chỉ là chức vụ “hữu danh vô thực” do phòng không ai quản lý, còn nhiệm vụ vẫn chỉ như những nhân viên văn phòng bình thường khác: làm công việc của một thủ thư, cung cấp thông tin cho các bộ phận khác, không ký bất cứ giấy tờ chỉ đạo nào và chỉ làm việc theo chỉ đạo. Bị cáo mong nhận được một mức án khoan hồng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) cũng cho rằng mức án 19-20 năm tù giam mà Viện Kiểm sát đề nghị là quá nặng với bị cáo.

Theo luật sư, Viện Kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên không tranh luận. Tuy nhiên, bản thân bị cáo Phương Anh chỉ thực hiện theo công việc được giao để có được tiền lương trang trải cuộc sống, bởi khi thực hiện hành vi thì gia đình bị cáo đang trong hoàn cảnh khó khăn, tạo nên áp lực khiến bị cáo không thể nghỉ việc dù nhận ra hành vi của mình là giúp sức cho một nhóm bị cáo mà bị cáo Lan là người đứng đầu.

Luật sư trình bày, bị cáo Nguyễn Phương Anh là người làm công ăn lương, không hưởng cổ phần, cổ phiếu hay làm vì mục đích cá nhân. Bị cáo chỉ thực hiện theo chức trách nhiệm vụ cá nhân để kiếm đồng lương nuôi gia đình. Bị cáo chủ yếu được giao việc xử lý giấy tờ nhằm phục vụ cho việc “giải quỹ”, sử dụng tiền theo mục đích của bị cáo Trương Mỹ Lan; hành vi này của bị cáo không phải là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB. Cũng theo luật sư, bị cáo Phương Anh do thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ vì suy nghĩ chủ quan muốn làm tốt công việc được giao, bên cạnh đó bị cáo còn mù quáng tin tưởng vào bị cáo Trương Mỹ Lan nên đã có những hành vi sai phạm gây nên hậu quả nặng nề. Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, ăn năn hối lỗi. Vì vậy, luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, hạ khung hình phạt từ khoản 4 xuống khoản 2, vào khung 9 năm tù.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB thống nhất với luận tội của Viện Kiểm sát nhưng xin Hội đồng xét xử xem xét bản thân bị cáo cũng chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi nào khác. Bị cáo trong quá trình làm việc có những áp lực nhất định mới dẫn đến sai phạm và đã chủ động xin nghỉ việc khi nhận thấy có những dấu hiệu làm sai quy định tại SCB. Bên cạnh đó, vai trò của bị cáo Ẩn trong vụ án là không đáng kể, chỉ mang tính thứ yếu. Bị cáo dù có biết các khoản vay sử dụng không đúng mục đích nhưng các khoản vay của bị cáo ký bản chất là các khoản vay mục đích phục vụ cho việc tái cơ cấu, vay mới để trả nợ cũ, dòng tiền không ra khỏi ngân hàng, không phải là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho SCB. Bị cáo luôn thành khẩn khai báo, hiện đã lớn tuổi, gia đình có truyền thống cách mạng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử đồng ý với đề nghị của Viện Kiểm sát cho bị cáo được hưởng án treo.

Với bị cáo Phan Tấn Khôi, cựu Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Đông Sài Gòn, luật sư không tranh luận về tội danh do bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình đúng như nội dung cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Khôi bị đề nghị mức án 6-7 năm tù vì tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Tuy nhiên, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ do bị cáo thực hiện công việc trong trạng thái bị động, làm theo chỉ đạo của cấp trên, nếu không làm thì sẽ bị buộc thôi việc chứ không được hưởng lợi gì từ việc làm này. Chưa kể, bị cáo đã nhận thức được rủi ro của công việc nên đã chủ động xin chuyển công tác nhưng do tác động của dịch COVID-19 nên việc chuyển công tác bị chậm trễ.

Về nhân thân, bị cáo có nhiều đóng góp đáng kể cho hoạt động của Ngân hàng SCB; bị cáo cũng có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội; gia đình bị cáo có công với cách mạng… đây được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Do đó, luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Hồng Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/xet-xu-so-tham-vu-an-van-thinh-phat-nhieu-bi-cao-cho-rang-bi-truy-to-qua-nang-20240325201041945.htm