Xét xử theo thủ tục rút gọn, ít nhất trước 7 ngày phải chuyển Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Ông Vũ Quang Dũng, Phó Chánh án TAND huyện Gia Lâm cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng luôn được coi trọng. Bởi lẽ, công tác trợ giúp pháp lý nhằm góp phần tôn vinh tính ưu việt của chế độ XHCN là tinh thần nhân đạo, bảo vệ các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024 và Chương trình số 5789 ngày 27/11/2023 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Vũ Quang Dũng, Phó Chánh án TAND huyện Gia Lâm cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng luôn được coi trọng. Bởi lẽ, công tác trợ giúp pháp lý nhằm góp phần tôn vinh tính ưu việt của chế độ XHCN là tinh thần nhân đạo, bảo vệ các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trong những năm qua và đặc biệt năm 2023, Tòa án Nhân dân huyện Gia Lâm thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo yêu cầu tập thể công chức, người lao động trong đơn vị nhất là các Thẩm phán, Thư ký nghiệp vụ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cao các quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TAND TC, VKSND TC về công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch số 134/KH-HĐPHLN ngày 23/12/2022 về hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023.
Cán bộ công chức, người lao động trong đơn vị hiểu rõ, vận dụng đầy đủ các quy định đã nêu trong quá trình tiến hành tố tụng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng thuộc diện nhận trợ giúp pháp lý theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị đã thống nhất xác định quy trình làm việc để đảm bảo các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý thực hiện quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý trong quá trình tố tụng.
Cụ thể, đối với các vụ án hình sự, ngay khi nhận hồ sơ vụ án, thẩm phán tiến hành nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xác định những người tham gia tố tụng nào thuộc diện nhận trợ giúp pháp lý và Cơ quan cảnh sát điều tra, VKSND đã thực hiện đầy đủ các thủ tục giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý hay chưa?
Trường hợp Cơ quan cảnh sát điều tra, VKSND đã thực hiện đầy đủ thủ tục về trợ giúp pháp lý thì thư ký tòa án thông tin cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được chỉ định làm thủ tục đăng ký người bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; chuyển trực tiếp quyết định đưa vụ án ra xét xử, giấy triệu tập phiên tòa cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý đã đăng ký bào chữa, đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ít nhất 10 ngày trước ngày xét xử; đối với những vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn thì ít nhất 07 ngày trước ngày xét xử; bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý; ghi rõ trong bản án, quyết định họ và tên, chức danh của người thực hiện trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử và ghi rõ ý kiến, quan điểm bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý; xác nhận về thời gian hoặc công việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi làm việc với đơn vị.
Trường hợp Cơ quan cảnh sát điều tra, VKSND chưa thực hiện thủ tục cử người trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện nhận trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự, Thẩm phán giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với các vụ án dân sự, hành chính, cán bộ phòng Hành chính tư pháp của đơn vị giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý cho người khởi kiện biết theo mẫu 01 quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Trường hợp người khởi kiện tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cán bộ phòng Hành chính tư pháp có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Nếu vụ việc thuộc trường hợp thụ lý ngay thì Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý. Sau khi hồ sơ vụ án được thụ lý, giải quyết, Thẩm phán thông báo cho người được cử thực hiện trợ giúp pháp lý đăng ký thủ tục làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thư ký được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án thực hiện việc giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong vụ việc theo quy định của pháp luật tố tụng.
Ông Vũ Quang Dũng đánh giá, các thẩm phán, thư ký của đơn vị đều nắm chắc các quy định về công tác phối hợp nên việc trao đổi với trợ giúp viên pháp lý nhanh chóng, hiệu quả, giúp trợ giúp viên pháp lý hoàn tất kịp thời các thủ tục để tham gia tố tụng. Các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm là những người nhiệt tình, có nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm trợ giúp pháp lý nhiều năm, có tinh thần phối hợp rất cao nên ngay khi tiếp nhận thông tin trợ giúp pháp lý từ Tòa án là nhanh chóng thực hiện ngay các thủ tục theo quy định và tích cực tham gia trợ giúp pháp lý trong quá trình tiến hành tố tụng tại Tòa án.
Do công tác phối hợp tốt, việc nhận diện các đối tượng được trợ giúp pháp lý sát sao nên năm 2023, số lượng đối tượng được trợ giúp pháp lý đã tăng so với năm 2022.
Cụ thể, tổng số đối tượng được trợ giúp pháp lý là 51 người; trong đó, đối tượng được trợ giúp pháp lý về hình sự là 49 người, tăng 10 đối tượng so với năm 2022; đối tượng được trợ giúp pháp lý về dân sự là 02 trường hợp, bằng năm 2022.