Xét xử vụ án lừa đảo tại Bắc Kạn: Tòa trả hồ sơ để làm rõ nhiều tình tiết
Ngày 16/6, TAND tỉnh Bắc Kạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo là công nhân của Công ty Điện lực Bắc Kạn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Kạn, năm 2012, Nguyễn Song Lý (sinh năm 1974, là công nhân của Điện lực huyện Ngân Sơn, thuộc Điện lực Bắc Kạn), quen biết bà Lê Thị Kiêm có nhu cầu xin việc cho cháu gái Lý Thị Linh (quê quán huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) vào làm ngành điện lực.
Sau đó Lý gặp nói chuyện và được Trần Thị Minh Hằng (sinh năm 1968 là công nhân điện lực Thành phố Bắc Kạn) đồng ý giúp xin việc cho Linh. Tiếp đó, Hằng hỏi Lâm Văn Thông (đang công tác tại Công ty Điện lực tỉnh Bắc Kạn) vì biết Thông có nhiều mối quan hệ ở Hà Nội để nhờ vả.
Vài ngày sau, Thông trả lời Hằng là được và bảo họ chuyển hồ sơ đưa Thông. Sau khi nhận được thông tin từ Thông, Hằng đã nói với Lý là xin được việc cho Linh vào làm việc tại Điện lực Cao Bằng và bảo gia đình làm hồ sơ. Sau đó, Lý gặp bà Kiêm đưa thông tin sẽ xin được việc cho Linh vào Điện lực Cao Bằng với chi phí 230 triệu đồng.
Bà Kiêm tin tưởng Lý xin được việc nên ngày 19 và 24/9/2012 đã đưa cho Lý 230 triệu đồng. Lý có viết giấy vay tiền với bà Kiêm trong thời hạn 3 tháng để làm tin.
Ngày 26/09/2012, Lý đến ngân hàng chuyển 190 triệu đồng xin việc của Linh cho Hằng, còn giữ lại 40 triệu đồng để sử dụng. Ngày 12/11/2012, Hằng chuyển số tiền 180 triệu đồng xin việc của Linh cho Thông tại nhà ông Hoàng Hữu Vịnh (sinh năm 1960, trú tại Thành phố Bắc Kạn). Ông Vịnh được Hằng nhờ đứng tên viết giấy cho Thông vay tiền 180 triệu đồng với thời hạn 5 tháng để làm tin. Hằng giữ lại 10 triệu đồng để sử dụng cá nhân.
Cáo trạng khẳng định mặc dù không có nhiệm vụ về công tác tuyển dụng nhưng Lý đã trao đổi với Hằng. Hằng tiếp tục nói với Thông cùng đưa ra thông tin không có thật là xin được việc cho Linh. Bà Kiêm tin tưởng sẽ được việc cho Linh nên đã tự nguyện giao Lý 230 triệu đồng. Sau đó Lý chiếm đoạt 40 triệu đồng, chuyển cho Hằng 190 triệu đồng. Hằng tiếp tục chiếm đoạt 10 triệu đồng, chuyển cho Thông 180 triệu đồng.
Sau phần công bố cáo trạng, Luật sư Trần Quốc Toản, Công ty TNHH Luật Trương Anh Tú bào chữa cho các bị cáo đề nghị triệu tập các điều tra viên của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn, trong đó có điều tra viên Trịnh Xuân Phương nhằm làm rõ việc ghi biên bản hỏi cung không đúng với trả lời của Lý, Hằng ở giai đoạn điều tra ngày 19/07/2019 và 22/09/2019. Đồng thời, triệu tập và áp dụng biện pháp dẫn giải với người làm chứng Nguyễn Thái Công và những người tham gia tố tụng khác.
Luật sư cũng yêu cầu tòa triệu tập những người tham gia tố tụng mới là giám đốc Công ty Điện lực Cao Bằng và huyện Bảo Lâm nhằm làm rõ hợp đồng khoán việc ký với Linh có ý nghĩa thế nào, cũng như quy trình tiếp nhận, điều động người lao động với Linh. Bởi vì, Cơ quan điều tra, tố tụng Bắc Kạn chưa làm rõ những vấn đề này nhưng đã cáo buộc các bị can là phạm tội.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát Bắc Kạn tại phiên tòa cho rằng mọi lời khai cũng như chứng cứ của những người có nghĩa vụ liên quan đều đã có trong hồ sơ nên không cần phải triệu tập theo đề nghị của luật sư.
Tại tòa, sau khi được HĐXX xét hỏi, các bị cáo cho biết, số tiền 230 triệu đồng là của bà Kiêm nhờ cảm ơn xin việc cho Linh. Số tiền này là tiền quà, chi phí tự gia đình cảm ơn người nhờ giúp hỏi.
Trong khi đó, bà Kiêm trả lời số tiền 230 triệu đồng là do Lý tự đặt ra. Sau đó, Lý trả lại 180 triệu đồng là tiền bà Kiêm nhờ xin việc. HĐXX tiếp tục làm rõ nguồn gốc số tiền 180 triệu đồng của Lý trả cho bà Kiêm. Lý khai số tiền này là do một người tên Hoàng Lê là bạn của bà Vũ Thị Thanh Nga (người có nghĩa vụ liên quan đến việc xin việc) đem từ Hà Nội lên.
Có mặt tại phiên tòa, bà Nga cho biết, bị cáo Thông không chuyển tiền để xin việc cho Linh. Số tiền bà chuyển cho người bạn tên Hoàng Lê là từ thiện để giúp đỡ gia đình Linh khi biết hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, bà Nga còn cho biết, trong ngành điện do tính chất đặc thù dạng hợp đồng khoán việc như của Linh đều được coi là hợp đồng lao động và trở thành công nhân ngành điện. Hiện trên Cao Bằng dạng hợp đồng này vẫn còn tồn tại và áp dụng cho từng vị trí được tuyển dụng. Bản thân chị Linh trong vụ việc này đã được tuyển dụng đi làm nhưng nghỉ việc do thai sản và thanh lý hợp đồng trước thời hạn.
Sau khi lắng nghe các bên trình bày, đánh giá khách quan tài liệu, chứng cứ của vụ án, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ hành vi bị cáo và một số người liên quan.