Xét xử vụ án tại Nhà xuất bản Giáo dục: Các bị cáo nhận thức được sai phạm

Chiều 14/1, phiên tòa xét xử 8 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục) tiếp tục với phần xét hỏi. Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm của mình, tuy nhiên cho rằng các hành vi này không được thỏa thuận, thống nhất từ trước.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Khai tại Tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng nêu. Riêng cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái khai thêm bản thân bị cáo khi nhận thức được hành vi sai phạm đã làm đơn tự thú; khi đó, cơ quan công an chưa phát hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, bị cáo Thái cho biết bản thân có đơn tố giác tội phạm từ đó giúp phát hiện đường dây sách lậu, sách giả lớn nhất từ trước liên quan vụ án Cao Thị Minh Thuận (đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử trước đó). Bị cáo còn đơn trình báo về trường hợp mạo danh người có chức vụ để lừa đảo và cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án.

Bị cáo Thái trình bày thêm, năm 2017, bị cáo được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo động viên về nhận nhiệm vụ ở Nhà xuất bản Giáo dục. Thời điểm đó, nội bộ Nhà xuất bản Giáo dục hết sức phức tạp, người tiền nhiệm nghỉ hưu sớm… còn bị cáo phải nhận trách nhiệm về việc triển khai bộ sách giáo khoa lớp 1 đầu tiên theo chương trình mới. Khi đó, đại diện các Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát đến gặp trao đổi, xin được tham gia cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo dục. Quá trình gặp gỡ với chủ doanh nghiệp, bị cáo dù đồng ý về mặt chủ trương nhưng không đòi hỏi, yêu cầu phải chi tiền bồi dưỡng. Lúc này, bị cáo không có kiến thức gì trong việc xuất bản sách giáo khoa hay mua sắm vật tư, do đó, khi 2 doanh nghiệp tiếp cận, đặt vấn đề tiếp tục tham gia cung cấp giấy cho Nhà xuất bản, bị cáo đã đồng ý.

Phân trần về việc lựa chọn phương thức đấu thầu rút gọn, bị cáo Thái khai: Năm 2017, giá bột giấy cao đến 3%, tăng cao nhất trong 7 năm, phí vận chuyển cũng cao nên bị cáo mong muốn sớm mua được giấy sớm để in sách. Vì vậy, bị cáo đã lựa chọn phương thức rút gọn để không bị mua giấy giá cao. Thời điểm đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bán sách giáo khoa với giá 179.000 đồng/bộ, trong khi đối thủ cạnh tranh sản xuất sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa thì bán với giá 199.000 đồng/bộ, chênh lệch giá 11%. Vì thế, bị cáo Thái cho rằng việc mua giấy của 2 Công ty Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát đã tạo hiệu quả in được sách giáo khoa với giá thấp hơn so với công ty đối thủ.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, từ năm 2017, bị cáo Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên, đại diện pháp luật Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sau đó, bị cáo Thái chỉ đạo chủ trương tổ chức mua sắm vật tư giấy in áp dụng Luật Đấu thầu, Nghị định 63 hướng dẫn Luật Đấu thầu trong việc tổ chức mua sắm vật tư giấy in Sách giáo khoa, sách bổ trợ năm học 2018 - 2019.

Ngày 15/8/2017, Nguyễn Đức Thái ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ tư vấn triển khai lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư năm 2018, để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện các gói thầu giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định của Luật Đấu thầu. Từ đó, bị cáo Thái đã có hành vi nhận hối lộ của các nhà thầu Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng.

Sáng 15/1, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án.

Tin, ảnh: Kim Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/xet-xu-vu-an-tai-nha-xuat-ban-giao-duc-cac-bi-cao-nhan-thuc-duoc-sai-pham-20250114181626563.htm