Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh: Viện Kiểm sát ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ khi đề nghị án
Tại phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh, trong phần luận tội chiều 21/3, đại diện Viện Kiểm sát đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo, từ đó phân hóa vai trò phạm tội của từng người cũng như xác định động cơ phạm tội ban đầu của những bị cáo 'đầu vụ'.
Gặp khó, ló cái sai
Bản luận tội của Viện Kiểm sát xác định, do gặp khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) đã thống nhất chủ trương và thông qua con trai là Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị can đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông), phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu như: ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng cách ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn; thông đồng với các bị can thuộc các đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu Báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để hợp thức các công ty này có đủ điều kiện phát hành trái phiếu; ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư; tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu, hợp thức trái chủ cho Công ty Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, các bị can sử dụng tài sản của chính các hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu, từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền là 8.643 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành.
Phân hóa hành vi phạm tội
Viện Kiểm sát xác định việc khắc phục nhanh chóng hậu quả vụ án, nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra… là những tình tiết giúp các bị cáo được giảm nhẹ hình phạt và đã đề xuất nhiều mức án dưới khung hình phạt cho các bị cáo này.
Công tố viên cho rằng trong vụ án này, bị cáo Đỗ Anh Dũng là người giữ vai trò chỉ đạo toàn bộ hoạt động phát hành 9 gói trái phiếu để huy động tiền trái pháp luật cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đỗ Hoàng Việt có vai trò tham mưu, đề xuất, thực hành theo chỉ đạo, giúp sức tích cực cho Đỗ Anh Dũng để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các bị hại là 8.643 tỷ đồng.
Đối với các bị cáo còn lại là vai trò đồng phạm giúp sức, thực hiện theo sự chỉ đạo của Dũng và Việt, làm công hưởng lương, không được hưởng lợi từ hành vi chiếm đoạt tiền của các bị hại, nhóm đồng phạm giúp sức này được chia thành các nhóm với tính chất, mức độ hành vi phạm tội giảm dần.
Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát đã phân hóa vai trò của các bị cáo theo từng nhóm hành vi, gồm: Nhóm giúp sức của Tập đoàn Tân Hoàng Minh giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt tiền của các bị hại thông qua việc phát hành các gói trái phiếu, làm việc theo chỉ đạo của Dũng, Việt; Nhóm giúp sức Ban Tài chính - Kế toán; Nhóm giúp sức phòng ban chuyên môn của Ban Tài chính - Kế toán; Nhóm giúp sức của các công ty phát hành trái phiếu; Nhóm giúp sức kiểm toán… Từ đó, cân nhắc mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo để đề nghị mức án tương xứng, phù hợp.
Hợp đồng mua bán trái phiếu là vô hiệu
Đại diện Viện Kiểm sát xác định số tiền gốc theo hợp đồng mua bán trái phiếu của các bị hại với Công ty Tân Hoàng Minh là số tiền chiếm đoạt do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo, nên có căn cứ để chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường số tiền này của các bị hại. Đối với yêu cầu của một số bị hại liên quan đến khoản lãi theo hợp đồng mua bán trái phiếu, tiền lãi phạt chậm trả, Viện Kiểm sát xét thấy việc phát hành 9 gói trái phiếu của Tân Hoàng Minh và bán ra cho các nhà đầu tư được xác định là vi phạm pháp luật nên 9 gói trái phiếu này đã bị hủy theo quy định của pháp luật. Do vậy, hợp đồng mua bán trái phiếu giữa các bị hại với Tân Hoàng Minh là vô hiệu nên cần giải quyết theo quy định của đối với giao dịch dân sự vô hiệu.
Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, các bị cáo có trách nhiệm bồi thường số tiền 8.643 tỷ đồng chiếm đoạt của các bị hại theo quy định của pháp luật. Số tiền này đã được Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt và các bị cáo khác nộp tiền để khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Viện Kiểm sát cũng đề nghị các bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản, đồng thời đề xuất hủy bỏ kê biên, phong tỏa giao dịch đối với tài sản là 8 căn hộ, nhà, đất; tài khoản chứng khoán, số dư tiền trên tài khoản của các bị can, người liên quan trong vụ án.