Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan cam kết đem tài sản khắc phục hậu quả
Luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện, cam kết về việc đem tài sản khắc phục hậu quả vụ án của thân chủ của mình.
Chiều 1-4, sau khi VKS đối đáp quan điểm bào chữa cho 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB), bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phát biểu ý kiến.
Bị cáo Lan phủ nhận hành vi phạm tội; xin giảm nhẹ hình phạt cho cháu gái Trương Huệ Vân và chồng là Chu Lập Cơ.
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện, cam kết về việc đem tài sản để giải quyết hậu quả vụ án của thân chủ của mình. Theo đó, bị cáo Lan mong muốn được tạo cơ chế pháp lý để thuyết phục bạn bè, đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay để SCB hoạt động ổn định.
Tiếp tục phần tranh luận bổ sung, luật sư nêu 3 nội dung: Việc bị cáo Lan đưa tài sản vào SCB để rút tiền hay góp phần tham gia tái cơ cấu; Quan điểm về xác định một phần thiệt hại của đại diện SCB; Làm rõ nhận thức và những vấn đề mới liên quan đến việc thực hiện nguyện vọng, cam kết của bà Lan về hướng xử lý tài sản nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Trong phần luận tội, VKS nhấn mạnh cách thức bị cáo Lan không phải cho mượn tài sản mà đưa tài sản vào để nhằm rút tiền, chiếm đoạt tiền của SCB. Theo luật sư, giống như bị cáo Trần Thị Mỹ Dung xác nhận toàn bộ tài sản của bị cáo Lan và gia đình hiện đang nằm ở SCB để đảm bảo cho hơn 1.200 khoản vay (tính đến hiện nay gốc và lãi là hơn 677.000 tỉ đồng). Luật sư cho rằng bị cáo Lan "thực sự đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB như cam kết trước đó".
Liên quan đến việc xác định hậu quả thiệt hại vụ án, VKS buộc bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm với số tiền hơn 677.000 tỉ đồng. Trong khi đó, luật sư của bị hại SCB thì cho rằng con số này lên tới hơn 760.000 tỉ đồng.
Đối với việc đại diện SCB xác định không định giá 660 mã tài sản bảo đảm của bị cáo Lan do không thu thập được đầy đủ các thông tin, hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện, luật sư Hoài đặt câu hỏi nếu buộc trách nhiệm bồi thường cho bị cáo Lan thì 660 mã tài sản này sẽ thế nào?
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét diễn biến mới liên quan tới một số dự án và tài sản được HĐXX thẩm tra công khai tại tòa. Trong số 13 tài sản mà gia đình tự nguyện cam kết khắc phục, có tòa nhà Capital Place ở số 29 Liễu Giai (Hà Nội).
Bên cạnh đó, luật sư cũng đề nghị HĐXX ghi nhận việc có 2 công ty cam kết hoàn trả cho bị cáo Lan hơn 2.700 tì đồng đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án... Cũng theo luật sư, bị cáo Lan có 13 tài sản nằm ngoài danh mục kê biên sẽ sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án nếu có.
Đối với ý kiến cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội với cùng phương thức, thủ đoạn nhưng lại bị truy tố các hành vi khác nhau. VKS thống nhất quan điểm đánh giá của luật sư rằng từ năm 2012 đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bị cáo Lan và đồng phạm giữ các cương vị, vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội xâm phạm quản lý hoạt động ngân hàng của cơ quan nhà nước, thuộc trường hợp đồng phạm có tổ chức. Chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã phân loại tính chất, hành vi đồng phạm, lỗi cố ý và ý thức chủ quan của hành vi phạm tội, có vai trò giúp sức đến đâu thì xử lý đến đó.
Trong vụ án này, những bị cáo có chức vụ quyền hạn, có vai trò, tại SCB, hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là những người tiếp nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Lan.
Đối với các bị cáo khác và nhóm dưới có nghĩa vụ, quyền hạn cấp tín dụng tại SCB là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo, không thể quyết định. Một số bị cáo nhận ra hành vi sai phạm thì nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Ý thức của nhóm bị cáo này không biết đã giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt tài sản của SCB.
Từ những phân tích này, VKS nhấn mạnh không thể đánh giá đồng phạm về tội "Tham ô tài sản".