Xét xử vụ thất thoát ngàn tỉ ở TRUSTBank: Nhiều người khai thật như đùa!
Tại tòa, những bị cáo là đồng phạm với Hứa Thị Phấn gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng cùng nhau khai báo rằng họ làm theo chỉ đạo và không hưởng lợi
Chiều 15-11, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thất thoát hơn 1.338 tỉ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đại Tín – TRUSTBank) bắt đầu phần xét hỏi.
Tại tòa, đại diện VKSND TP HCM cáo buộc bị cáo Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT TRUSTBank, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Bị cáo không có mặt ở tòa vị lý do sức khỏe.
Cùng bị truy tố tội danh trên có nhiều bị cáo từng là cấp dưới của bị cáo Hứa Thị Phấn, gồm: Bùi Thị Kim Loan (cựu kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Kim Dũng (cựu Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (cựu Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam- Chi nhánh Lam Giang, cựu phó phụ trách Phòng Ngân quỹ TRUSTBank - Chi nhánh Sài Gòn), Phạm Hồng Hảo (cựu nhân viên TRUSTBank).
Trong phần xét hỏi, HĐXX chất vấn những bị cáo có mặt tại tòa về động cơ, quá trình phạm tội. Qua đó, HĐXX làm rõ thêm một số nội dung trong vụ án. Các bị cáo từng là chủ doanh nghiệp, làm việc dưới quyền bị cáo Hứa Thị Phấn đều khẳng định với HĐXX rằng họ làm theo chỉ đạo và không hề hưởng lợi ngoài tiền lương bà Phấn chi trả hàng tháng.
Cụ thể, bị cáo Bùi Thị Kim Loan khai nhận bị cáo nhận chứng từ, giấy tờ từ bà Phấn rồi mang cho người khác ký. Khi chủ tọa chất vấn về mối liên hệ giữa ngân hàng với bà Phấn cũng như doanh nghiệp, bị cáo trình bày: "Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo chứ không rõ ngân hàng giao dịch với bà Phấn ra sao".
Trong vụ án, Bùi Thị Kim Loan giúp Hứa Thị Phấn gần 60,5 tỉ đồng thông qua hành vi làm thủ tục mua hai căn nhà ở TP HCM rồi bán lại cho TRUSTBank. Loan chỉ đạo, thực hiện rút số tiền bán nhà ra khỏi ngân hàng, đưa Phấn sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, Loan chuyển hồ sơ, chứng từ đến Lâm Kim Dũng, Huỳnh Thị Xuân Dung và Đặng Thị Hải Lý (kế toán Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang). Có giấy tờ do Loan chuyển, những đối tượng trên mới có hồ sơ ký kết hợp đồng hợp tác với ngân hàng; cũng như ký nhiều chứng từ sử dụng tiền, giúp Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 330 tỉ đồng.
Tương tự, bị cáo Lâm Kim Dũng (cháu rể Hứa Thị Phấn) trình bày bị cáo nghe lời Hứa Thị Phấn suốt quá trình đứng tên chủ doanh nghiệp. Dũng nghe lời bà Phấn kí hợp đồng hợp tác với TRUSTBank, nhận tiền đầu tư vào hai dự án bất động sản. Không chỉ vậy, bị cáo Dũng kí nhiều biên bản thỏa thuận liên quan đến việc nhận tiền góp vốn ngân hàng chuyển vào Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang. Từ đó, Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 195 tỉ đồng.
Dù là giám đốc nhưng bị cáo này không biết công ty có vốn điều lệ bao nhiêu, quy trình hoạt động ra sao. Bị cáo thú nhận bản thân không có trình độ, nghiệp vụ nhưng vẫn đứng tên, kí mọi hồ sơ, giấy tờ. "Đầu tiên, bị cáo chỉ làm tạp vụ, bảo trì tòa nhà. Năm 2010, bà Phấn giao bị cáo làm giám đốc công ty. Bà Phấn nói bị cáo không cần làm gì hết, chỉ cần kí giấy tờ. Tất cả mọi chuyện có bà Phấn lo" - bị cáo khai nhận.
Trong giai đoạn một của vụ án, tòa án đã tuyên phạt Bùi Thị Kim Loan 28 năm tù. Hiện Loan được hoãn thi hành án do nuôi con nhỏ (dưới 36 tháng tuổi). Bị cáo Dũng đang thi hành án 6 năm tù giam.
Ngoài ra, bị cáo Dũng có con gái là Lâm Hứa Quỳnh Trinh và con dâu là Phạm Hồng Hảo cũng là bị cáo tại phiên xử này.
Cơ quan công tố xác định bị cáo Hứa Thị Phấn chiếm đoạt của TRUSTBank hơn 1.338 tỉ đồng. Theo VKS, bị cáo này là chủ mưu nên phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền ngân hàng thất thoát. Những bị can còn lại đóng vai trò đồng phạm, giúp sức.
Cụ thể, bị cáo Phấn lợi dụng việc bản thân giữ gần 85% vốn điều lệ TRUSTBank để nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động với mục đích chiếm đoạt tiền do ngân hàng huy động tiền gửi từ khách hàng.
Bà Phấn trực tiếp chỉ đạo làm các thủ tục đầu tư trái pháp luật gần 1.040 tỉ đồng vào 4 dự án bất động sản do 3 công ty (Công ty CP Phú Mỹ, Công ty CP Địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ). Những doanh nghiệp trên đều do đại gia Hứa Thị Phấn lập ra. Sau đó, bà Phấn chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Bị cáo Hứa Thị Phấn cũng chỉ đạo Loan và một số người mua và nâng khống giá trị 4 bất động sản tại TP HCM và tỉnh Khánh Hòa, chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành TRUSTBank mua 4 tài sản với tổng giá trị hơn 661 tỉ đồng. Qua đó, bà chiếm đoạt hơn 437 tỉ đồng.