Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư đề nghị xem xét lại tội danh của Trương Mỹ Lan

Theo luật sư bào chữa, không thể kết luận Trương Mỹ Lan là người có quyền lực chi phối, quản lý, điều hành SCB khi không có cơ sở xác định chức vụ của bị cáo tại SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 20/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 20/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 20/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan bước vào phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.

Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trình bày về hoàn cảnh gia đình, nhân thân của bị cáo, nguồn gốc quá trình kinh doanh của gia đình Trương Mỹ Lan và sự hình thành nên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo luật sư Hoài, hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ bao gồm một số công ty nhất định. Đối với thông tin 1.000 công ty được cho là thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát, luật sư cho rằng cần được xem xét thỏa đáng hơn.

Về nguyên nhân, bối cảnh hoàn cảnh xảy ra vụ án, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng cần xem xét vai trò của bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần hợp nhất ba ngân hàng yếu kém. Khi tham gia tái cơ cấu, bị cáo có vai trò là cố vấn Ban hợp nhất. Nếu xác định có sở hữu của bị cáo tại SCB, thì khi SCB bị thiệt hại, chính bị cáo cũng là người bị thiệt hại.

Ngoài ra, quá trình hợp nhất 3 ngân hàng diễn ra suốt 10 năm, trải qua nhiều giai đoạn. Có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng. Theo luật sư Hoài, không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới, trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn. Luật sư đặt câu hỏi về số tiền thiệt hại trong vụ án liệu có phải chính là dư nợ tín dụng tại SCB hay không.

Tiếp nối phần bào chữa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho Trương Mỹ Lan) nêu băn khoăn về các cáo buộc hai tội danh “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” đối với bị cáo Lan, cho hành vi lập hồ sơ vay vốn “khống” trong cáo trạng.

Trương Mỹ Lan bị cáo buộc từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022 đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn “khống” để rút ra số tiền đặc biệt lớn, nhằm sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại cho ngân hàng số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.

Từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 129.372 tỷ đồng.

Như vậy, trong cả hai giai đoạn trên, hành vi của Lan đều là hành vi chỉ đạo lập “khống” hồ sơ vay vốn nhưng kết luận của cáo trạng lại truy tố bị cáo với hai tội danh “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng."

Luật sư Thiệp cho rằng việc tách hành vi của bị cáo ra làm hai giai đoạn truy tố thành hai tội danh khác nhau là không phù hợp dấu hiệu đặc trưng trong cấu thành tội phạm, không đúng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo quy định. Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại.

Về tội tham ô tài sản, luật sư Thiệp cho hay Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ."

Như vậy, muốn buộc tội Trương Mỹ Lan với tội danh này, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bị cáo là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Trong khi đó, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và cáo trạng xác định “bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB." Vì vậy, theo luật sư Thiệp, không thể kết luận Trương Mỹ Lan là người có quyền lực chi phối, quản lý, điều hành SCB khi không có cơ sở xác định chức vụ của bị cáo tại SCB.

Cũng theo luật sư, việc suy diễn vì Trương Mỹ Lan nắm số cổ phần lớn nên có quyền lực chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB là không có căn cứ, không phù hợp với quy định pháp luật, nhất là việc bổ nhiệm những người điều hành tại SCB phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, không phải “ai muốn làm gì thì làm."

Trên cơ sở đó, luật sư Thiệp cho rằng khi không có quyền điều hành, Trương Mỹ Lan cũng hoàn toàn không có trách nhiệm quản lý tài sản của Ngân hàng SCB. Nếu có căn cứ để xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tiền của SCB cũng không thể coi đó là dấu hiệu cấu thành tội “tham ô tài sản" mà chỉ thuộc về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng."

 Các bị cáo tại phiên tòa ngày 20/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 20/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về tội danh “đưa hối lộ," luật sư Nguyễn Huy Thiệp đánh giá lời khai của các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB còn tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn.

Trương Mỹ Lan khai từng gặp Đỗ Thị Nhàn hai lần nhưng không phải để đề cập hay thực hiện hành vi đưa hối lộ. Lần gặp đầu tiên với mục đích để Lan xác nhận với Nhàn tài sản đang đảm bảo cho các khoản vay tại SCB có phải là tài sản của Lan hay không. Lần gặp thứ hai là do Võ Tấn Hoàng Văn nhờ Lan gặp Nhàn để nói giúp việc sớm kết thúc thanh tra tại SCB.

Đỗ Thị Nhàn khai trong các lần gặp, bị cáo chỉ trao đổi với Lan về việc phải bán bớt tài sản để trả nợ cho SCB tại các phương án, dự án tái cơ cấu có sai phạm và chủ động tất toán, “dọn sạch” dư nợ nhóm 71 khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, thì đoàn thanh tra sẽ không xem xét vi phạm các khoản vay của SCB, chỉ xử lý hành chính.

Trong khi đó, Võ Tấn Hoàng Văn xác nhận không tham gia các cuộc gặp giữa Lan và Nhàn nên không biết nội dung trao đổi cũng như địa điểm gặp, chỉ nghe Nhàn “nói lại” là gặp Lan để hướng dẫn Lan tất toán khoản vay của nhóm 71 khách hàng bằng cách cho khách hàng mới vay để trả nợ cũ.

Về hành vi đưa hối lộ bốn lần với tổng số tiền 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn để che giấu sai phạm tại SCB, Võ Tấn Hoàng Văn khai số tiền này do Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng SCB, cựu Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn lấy nguồn riêng, được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy để rút ra, đổi thành USD và đưa cho Văn chuyển đến Nhàn.

 Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa ngày 20/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa ngày 20/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Luật sư Thiệp cho rằng Nguyễn Phương Hồng đã chết, không thể đối chứng với lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn. Như vậy, ngoài lời khai của Văn thì không có chứng cứ nào khác chứng minh Văn đưa 5,2 triệu USD cho Nhàn là theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Luật sư cũng đặt dấu hỏi tính khách quan của lời khai duy nhất của Văn, trong khi Văn không bị xem xét trách nhiệm tội đưa hối lộ.

Cùng bào chữa cho Trương Mỹ Lan, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng ngày 3/1/2023, Ngân hàng SCB ký hợp đồng thuê Công ty Trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá Hoàng Quân thực hiện định giá tài sản của SCB và lập chứng thư thẩm định nhằm xác định giá trị thị trường của các tài sản tại thời điểm 30/9/2022.

Theo luật sư Thanh, chứng thư được thẩm định trên nhằm phục vụ công tác rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB, nhưng trong vụ án này, các chứng thư thẩm định giá lại được sử dụng như kết luận giám định trong tố tụng hình sự để đánh giá thiệt hại của SCB. Điều này khác hoàn toàn với mục đích ghi trong chứng thư.

Luật sư Thanh lập luận để có thể xác định hành vi của Trương Mỹ Lan có gây thiệt hại cho SCB hay không, có chiếm đoạt tiền của SCB hay không thì phải trưng cầu cơ quan chuyên môn thực hiện việc giám định. Chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân không thể thay thế kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.

Trước đó, Việm Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá trong quá trình xét xử, Trương Mỹ Lan không thừa nhận hành vi phạm tội, ngoan cố, đổ lỗi cho cấp dưới và không ăn năn hối cải. Hành vi vi phạm của bị cáo gây thiệt hại số tiền lớn nên cần loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.

Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp mức án là tử hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xet-xu-vu-van-thinh-phat-luat-su-de-nghi-xem-xet-lai-toi-danh-cua-truong-my-lan-post935554.vnp