Xi măng Tân Thắng: Vững vàng tăng trưởng, vượt sóng Covid-19
Mới bước chân vào thị trường, Xi măng Tân Thắng đã được đánh giá cao bởi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã và bao bì hiện đại, đa dạng về quy cách đóng bao. Qua 2 năm vượt sóng gió vì đại dịch Covid 19, Tân Thắng đã có những bước tăng trưởng đáng tự hào trong ngành xi măng Việt Nam, minh chứng cho niềm tin mà thị trường trong nước và quốc tế đã lựa chọn.
Xi măng Tân Thắng là một trong những đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam có khả năng sản xuất xi măng siêu dẻo, xi măng bền sulfat với nhiều ưu điểm vượt trội chinh phục được các thị trường khó tính nhất như Mỹ, Australia, Trung Quốc.
Từng bước ngoạn mục chinh phục thị trường quốc tế
Nhà máy xi măng Tân Thắng cho ra đời những sản phẩm đầu tiên vào tháng 4 năm 2020, đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội bị đình trệ, các hoạt động giao thương buôn bán, xây dựng đều cầm chừng do các lệnh giãn cách, cách ly xã hội, Tân Thắng nói riêng và ngành xi măng nói chung phải đối mặt với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá than, một số tuyến hàng hải bị phong tỏa gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Thách thức với xi măng Tân Thắng còn lớn hơn khi dây chuyền mới vào hoạt động, chịu áp lực cạnh tranh với các sản phẩm xi măng khác đã có chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, với sứ mệnh “Tạo khác biệt – Dựng niềm tin” cho những công trình thời đại, xi măng Tân Thắng đã nỗ lực phát huy những lợi thế của mình để từng bước tiếp cận, chinh phục những thị trường khó tính nhất cả trong và ngoài nước. Với định hướng của một thương hiệu phát triển bền vững, tiên phong về công nghệ, Tân Thắng lựa chọn đầu tư vào các sản phẩm khó như clinker và xi măng bền sulfate.
So với xi măng thường, xi măng bền sunfat có nhiều ưu điểm hơn nhờ được phát triển cường độ cao, có khả năng chống lại sự ăn mòn. Đây là loại xi măng chuyên sử dụng trong các công trình công nghệ cao như công trình dưới biển, hải đảo, khu vực nhiễm mặn và công trình thoát nước đô thị hay nhiệt điện. “Xi măng Tân Thắng lựa chọn cho mình phân khúc cao cấp. Đến nay Tân Thắng đã sản xuất được những sản phẩm đặc biệt, chất lượng cao mà nhiều nhà máy trong nước chưa làm được”, ông Đặng Thành Chung – Trưởng phòng Kinh doanh của Xi măng Tân Thắng chia sẻ.
Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, các hoạt động khác như logistics cũng đáp ứng được năng suất xuất hàng theo yêu cầu, đảm bảo giao nhận ổn định trong mọi điều kiện thời tiết, khách hàng hài lòng và đặt niềm tin tuyệt đối vào đối tác Tân Thắng . Dần dần, bằng nỗ lực của mình, Tân Thắng đã có được đơn hàng dài hạn xuất đi thị trường Mỹ và cho đến thời điểm hiện tại, Tân Thắng đã tăng được thêm khách hàng mua loại xi măng type II và mở rộng thêm khu vực tiêu thụ ở thị trường Mỹ. Ngoài ra Xi măng Tân Thắng còn có loại xi măng siêu dẻo tiết kiệm vữa trong quá trình xây trát. Xi măng siêu dẻo chất lượng cao dùng cho bê tông khối lớn có độ chảy cao làm cho khối bê tông đặc chắc phù hợp cho khu vực có nhiệt độ cao, không làm rạn nứt và vẫn đạt cường độ theo yêu cầu.
Song song với các đơn hàng đi thị trường Mỹ, Tân Thắng đã tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau Philipinnes. Với khoảng cách địa lý ngắn, thuận tiện cho việc giao thương buôn bán, sản lượng tiệu thụ xi và clinker của Việt Nam luôn luôn dẫn đầu trong tất cả các khu vực thị trường mà Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thị trường chứa đựng nhiều rủi ro. Đó là những rào cản đến từ các quy định và chính sách liên quan đến môi trường, xã hội của Trung Quốc khiến cho hàng hóa từ Việt Nam có lúc được xuất ồ ạt nhưng có lúc lại bị đình trệ lại. Đặc biệt, cuối năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện chính sách Zero Covid, khiến cho vấn đề lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường đông dân nhất thế giới, Tân Thắng đã khai thác thêm thị trường Australia và đã có những đơn hàng đầu tiên đến đất nước này và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ở Châu Á, Châu Phi.
Những ấn tượng vượt bão Covid-19
Chủ động thị trường xuất khẩu, xi măng Tân Thắng cũng vững vàng chinh phục thị trường trong nước.
Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam mất tới 6 tháng chao đảo vì các hoạt động giãn cách phòng chống dịch nghiêm ngặt. Trong gian nan, khó khăn, xi măng Tân Thắng đã tranh thủ thời gian quý báu còn lại – khi dịch đã được kiểm soát tốt- để vươn ra khắp cả nước. Số lượng nhà phân phối của thương hiệu này tăng trưởng 20% so với năm 2020. Quý 2 năm nay, nhà máy đã đưa vào sử dụng 02 silo, mỗi silo công suất 3.000 tấn xi măng để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất xuất hàng từ 9.000 tấn xi măng/ngày lên 16.000 tấn xi măng/ngày.
Xi măng Tân Thắng đã hiện diện tại các công trình trọng điểm quốc gia như Dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai); Dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận), đoạn Nha Trang – Cam Lâm (Khánh Hòa).
Trên đà bứt phá bằng năng lực của một tân binh mạnh về công nghệ và quyết tâm, ông Lê Đình Trung – Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất chia sẻ: Tân Thắng sẽ không ngừng nỗ lực để xây dựng thương hiệu xi măng Tân Thắng thuộc top đầu các thương hiệu xi măng tại Việt Nam như đã được định hướng xuyên suốt từ khi đầu tư; để xây dựng lòng tin, chia sẻ lợi ích hài hòa để gắn kết lâu dài cùng các Nhà phân phối và đối tác; xây dựng chính sách bán hàng ổn định, nhưng cũng đảm bảo thích ứng linh hoạt với các biến động của thị trường.
Cùng với đó, Tân Thắng cũng tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ và đẩy mạnh đầu tư để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung phát triển thị trường nội địa đặc biệt chú trọng phát triển gia tăng thị phần tại thị trường khu vực Miền Trung đồng thời quan tâm phát triển thị trường phía Nam.
Nhà máy xi măng Tân Thắng được trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất nhập khẩu từ EU và G7 như: hệ thống cấp điện của Bedeschi (Italia); lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch); nghiền xi của Loesche (Đức); đóng bao của Haver & Boecker (Đức); hệ thống điện của ABB (Thụy Sỹ).
Hướng đến sản xuất xanh và thực hiện trách nhiệm xã hội, nhà máy tận dụng phế thải của các ngành công nghiệp khác trong sản xuất; tiết kiệm điện năng, đặc biệt hạn chế tối đa sử dụng điện vào giờ cao điểm. Một hệ thống phát điện nhiệt dư đang được triển khai nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải ra môi trường.