Xiếc Việt vươn cao, bay xa

Là loại hình nghệ thuật đặc biệt, xiếc Việt Nam những năm gần đây luôn giữ được chỗ đứng, sức lan tỏa cả trong và ngoài nước. Đáng chú ý, nhiều chương trình, tiết mục xiếc của chúng ta vừa qua đã xuất ngoại, tiếp tục đem đến với khán giả quốc tế những màn trình diễn ấn tượng, đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

Theo NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhiều kỳ liên hoan xiếc quốc tế khoảng hai thập kỷ trở lại đây, các nghệ sĩ và đoàn xiếc ở nước ta luôn đạt được thành tích cao và kỳ liên hoan nào cũng giành được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Bằng tài năng, sự dũng cảm cùng vẻ đẹp hình thể và tâm hồn, các nghệ sĩ xiếc Việt đã thực hiện những điều nghịch thường đầy bất ngờ ngoạn mục. Tài năng và trí tuệ đã được sáng tạo nên một nghệ thuật đầy nội dung nhân bản và tinh thần nhân đạo. Đặc biệt, NSND Tạ Duy Ánh nhấn mạnh, xiếc Việt vừa mang yếu tố truyền thống, vừa kết hợp với tính hiện đại nên không cần thuyết minh phiên dịch mà người xem vẫn dễ dàng tiếp nhận. Khán giả yêu xiếc ở tính chân thật, nơi nghệ sĩ không thể giấu mình ở bất cứ góc khuất nào, với bất kỳ khiếm khuyết nào, mà phơi bày tất cả sức khỏe, độ dẻo, sự khéo léo trước muôn vàn cặp mắt của khán giả.

Chuỗi chương trình xiếc Việt “À ố làng phố” được biểu diễn tại nhà hát Opera House danh tiếng của Australia

Chuỗi chương trình xiếc Việt “À ố làng phố” được biểu diễn tại nhà hát Opera House danh tiếng của Australia

Gần đây, xiếc Việt tiếp tục cho thấy sức hút và tạo tiếng vang lớn trên thế giới. Vừa qua, chuỗi chương trình xiếc À ố làng phố (đạo diễn Tuấn Lê) lần đầu tiên được biểu diễn tại nhà hát Opera House danh tiếng của Australia. Theo nghệ sĩ Tuấn Lê, buổi diễn này là một bước ngoặt lịch sử đối với xiếc Việt Nam. À ố làng phố là chuỗi chương trình kịch, xiếc kết hợp múa dân gian đương đại, mô tả lại cuộc sống của người dân miền duyên hải Nam Trung bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn nhịp sống hiện đại dần xóa bỏ đi văn hóa làng quê. Đã biểu diễn tại 17 quốc gia với hơn 500 suất diễn kể từ khi ra mắt (2014), À ố làng phố vừa đến với khán giả tại nhà hát Opera House tiếp tục nhận nhiều lời khen ngợi. Tại đây, các nghệ sĩ đã sáng tạo trong việc sử dụng toàn bộ đạo cụ chính là tre, kết hợp với âm nhạc độc đáo được trình diễn qua những màn thăng bằng, tung hứng, vặn xoắn rất táo bạo và điêu luyện của người nghệ sĩ. À ố làng phố vì thế không chỉ đẹp, ấn tượng về nghệ thuật mà còn giới thiệu một cách khéo léo truyền thống văn hóa Việt bằng hình ảnh cây tre, cách sử dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật của xiếc đương đại.

Nhiều năm nay, anh em NSƯT Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã mang tiết mục “Sức mạnh đôi tay” đi biểu diễn vòng quanh thế giới và làm rạng danh xiếc Việt trên đấu trường quốc tế. Năm 2018, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đem “Sức mạnh đôi tay” đến với cuộc thi tìm kiếm tài năng của Anh (Britain's Got Talent 2018) đã chinh phục ban giám khảo cuộc thi và hàng trăm nghìn lượt người xem trên toàn thế giới.

Vừa biểu diễn, hai nghệ sĩ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vừa sáng tạo kỹ thuật với động tác khó, phức tạp khiến khán giả không ngừng trầm trồ. “Sức mạnh đôi tay” vì thế đã được kỷ lục Guinness thế giới xác nhận, tạo thêm sức lan tỏa của tiết mục này nói riêng, xiếc Việt nói chung tới bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, tiết mục “Tạo hình trên dây da” của 2 nghệ sĩ trẻ Văn Thái và Thu Hường, tiết mục xiếc “Đu quan họ”, “Đu siêu nhân”, “Hề xiếc” của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao Huy chương Vàng tại các liên hoan xiếc trên thế giới. Không chỉ có các tiết mục dự thi đoạt giải, vở xiếc tre có tên “Làng tôi” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng đã từng có gần 4 năm “chu du” nước ngoài, với hàng trăm đêm diễn cháy vé... khiến giới làm nghề thêm tự hào và có thêm động lực.

Ấn tượng không kém là vở xiếc Sông Trăng (chỉ đạo nghệ thuật NSND Tạ Duy Ánh). Vở xiếc này đã được biểu diễn tại 7 nhà hát của Đức từ cuối năm 2018. Sông Trăng khắc họa lại không gian yên bình của làng quê Việt với những hoạt động đời thường bên dòng sông. Vở xiếc do 13 nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn liên tục trong 90 phút, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật: xiếc (nhào lộn, thăng bằng...), múa đương đại, nghệ thuật sắp đặt, kỹ xảo ánh sáng, âm nhạc dân tộc (chầu văn, hát cô đầu, hát trống quân, dân ca quan họ)… Sông Trăng đã mang lại những giây phút lắng đọng cho khán giả với cảm xúc gần gũi, quen thuộc qua tiếng cười của lũ trẻ cùng nhau nô đùa, hình ảnh các cô thôn nữ vui hát khi tắm mát trên dòng sông, câu ếch hay cuộc hẹn hò của những đôi trai gái trên chiếc cầu tre dưới ánh trăng khuya.

Theo TS. Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, các chương trình, tiết mục xiếc của nước ta thành công trên sân khấu thế giới đều thể hiện được sự khác biệt, bản sắc của Việt Nam. Kỹ thuật của xiếc thì không có quá nhiều khác biệt, nhưng để làm nên bản sắc riêng, thì xiếc Việt Nam đến với xứ người luôn giữ được hồn dân tộc, từ âm nhạc, đạo cụ, trang phục... đều thể hiện được chất liệu của người Việt. Vì thế, nhiều người tin rằng, nếu có được sự quan tâm hơn nữa, với những nỗ lực của các nghệ sĩ thì xiếc Việt sẽ tiếp tục tỏa sáng, và xiếc Việt đủ đẳng cấp để sánh ngang với bạn bè thế giới.

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xiec-viet-vuon-cao-bay-xa-89559.html