Xin bắt đầu bằng một câu chuyện cũ…

Việc con người khám phá ra cây lúa giữa trăm ngàn thứ cây hoang, cỏ dại là một phát minh vĩ đại có thể sánh với việc phát hiện ra lửa. Thơ về cây lúa, về hạt gạo do vậy đã có từ ngàn xưa, tiếp tục cho đến tận ngày nay và được viết bằng mọi thứ ngôn ngữ trên trái đất.

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp

Giấc mơ giản dị từ ngàn năm trước trong ca dao ấy vẫn không nguôi ấp ủ trong ý nghĩ và tình cảm của bao thế hệ, lúc cay đắng ngậm ngùi "Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần", lúc tự tin và tự hào như nhà thơ của thời chống Pháp, Hoàng Trung Thông:

Bàn tay ta làm nên tất cả/ có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Và đến lượt cậu bé - nhà thơ Trần Đăng Khoa của thời chống Mỹ thì khúc hát về cây lúa, hạt gạo đã thành bản tụng ca:

Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trên hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay...
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta.

Người viết những dòng này cũng từng tụng ca cây lúa, khi có lần đã khái quát ý mình vào một đề từ:

Tôi nghĩ rằng, trước và sau khi tìm ra hạt lúa, tổ tiên ta nhìn sông Hồng bằng hai con mắt khác nhau.

Có người bảo rằng nói thế khó hiểu, nhưng với những gì đã lý giải ở trên, tôi thấy đó là một điều hiển nhiên.

Nhà thơ Tố Hữu ca ngợi Đảng:

Đã hồi sinh trả lại cho ta
Trời cao đất rộng bao la
Bát cơm, manh áo, hương hoa, hồn người.

Một câu bát cuối cùng đã gói trọn những nhu cầu sống của con người, trong đó, cái nửa thứ nhất về vật chất, "bát cơm, manh áo", chính là được biểu tượng hóa trong cây lúa, hạt gạo. Còn nửa thứ hai, "hương hoa, hồn người", tức phần nhu cầu tinh thần, đã được thơ ca nói tới ra sao? - Lại càng nhiều gấp bội! Có lẽ câu khẩu hiệu "bánh mì và hoa hồng" luôn treo trước mắt của cả loài người đã được tác giả của "Hoa ngày thường - chim báo bão", nhà thơ có ý thức thường trực về con người và thế hệ là Chế Lan Viên gói gọn trong một khát vọng đầy đủ nhất, khát vọng về một cuộc sống mà ở đấy "Những đời thường cũng có bóng hoa che".

Nếu tạm chia nhận thức và tâm thế của con người thành các cấp độ, thì cấp độ thứ nhất là "cấp độ của cái dạ dày", và ở cấp độ này, hình ảnh cây lúa, hạt gạo trùm lên tất cả. Ở cấp độ thứ hai, "cấp độ của trái tim", như đã nói, ngự trị ở đây chính là hình ảnh của "bóng hoa che". Có vẻ như thế là đã đủ. Nhưng con người vẫn còn có một cái đầu, một cái đầu cứ khao khát nâng mãi nhận thức của mình lên như không biết đến giới hạn. Và ở cấp độ thứ ba, "cấp độ của cái đầu" này, có một loài thực vật khác bỗng lên ngôi, đó là cỏ.

Nếu như ở những cấp độ thứ nhất và thứ hai, hình ảnh cỏ thậm chí còn bị coi như phản diện, như kẻ thù, chẳng hạn trong lời trách móc thở than của một Nguyễn Trãi: "Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi", thì đến cấp độ nhận thức mới này, cỏ đã được đội lên đầu chiếc vương miện của trường thẩm mỹ hiện đại. Cỏ trước hết đồng nghĩa với sức sống bất diệt. Đâu có đất là đấy có cỏ. Như Đức Chúa ra đời trên máng cỏ, mọi đứa trẻ đầu tiên của nhân loại thuở sơ sinh đều chào đời trên cỏ, và mọi con người khi từ giã cõi đời đều về nằm dưới cỏ:

Dẫu xương thịt đã tan thành đất cát, cỏ trên mồ vẫn cỏ của hôm nay

(Anh Ngọc).

Cỏ non xanh tận chân trời (ảnh minh họa)

Cỏ non xanh tận chân trời (ảnh minh họa)

Có lẽ, chỉ khi ý thức của nhân loại về chính mình đã trưởng thành đến mức độ nào đó, con người mới nhận ra cái triết lý giản dị mà ngọn cỏ mang trong mình nó. Đó là lúc con người nhận ra vẻ đẹp tinh túy của trí tuệ vô song, của tâm hồn cao thượng, của ngôi vị thống trị cũng như sức sống bất diệt của chính mình, để từ đó khẳng định cái quyền uy tối thượng được sống đúng mình và hết mình của từng cá nhân con người trên trái đất này.

Chúng ta gọi đó là thời đại Phục Hưng, hay kỷ nguyên Ánh Sáng, kỷ nguyên của những con người khổng lồ trên mọi lĩnh vực. Riêng trong văn học, ta gặp tinh thần bất tử ấy nối dài từ Đăngtơ của Italia, Sếchxpia và Bairơn của Anh, Vônte và Huygô của Pháp, Gớt và Sinle của Đức ... cho đến Uýtman của Mỹ.

Chính người cuối cùng trong danh sách nói trên, nhà thơ Uýtman, suốt đời chỉ viết có một tập thơ và đặt tên cho nó là "Lá cỏ". Một tập thơ, hay đúng hơn, một chùm thơ dài xoay quanh cùng một chủ đề, với cùng một bút pháp, một giọng điệu và làm một việc duy nhất là ca ngợi con người và sức sống của nó. Tất cả ý thức và tình cảm ấy lại được nhà thơ ký thác vào trong một hình tượng, đó là "lá cỏ", ẩn dụ tuyệt vời và không gì thay thế, với những câu thơ giản dị mà sâu sắc đến mức phải dùng cả cuộc đời mới đi hết được :

Tôi ký thác tôi cho bùn đất để tái sinh từ ngọn cỏ tôi yêu
Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn.

Dưới đế giày của bạn là cỏ. Thì ra, trong cỏ đã bao gồm cả lúa và hoa, bao gồm cả những gì con người đã có, đang có và khao khát vươn tới. Cỏ chính là biểu tượng của cuộc sống và sự sống vậy.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/xin-bat-dau-bang-mot-cau-chuyen-cu-i666852/