'Xin cho tôi được về quê vì quá stress, không trụ nổi'
'Nói thật, đến mức này có thể dịch bệnh sẽ không làm tôi chết mà tôi sẽ chết vì khốn khó và bị stress' - anh Lê Hoàng Ân, quê Vĩnh Long, nói.
Hơn hai tháng nay, ngày nào anh Lê Hoàng Ân (quê Vĩnh Long) đang sống ở hẻm 621 đường hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cũng mong ngóng được về quê nhà. Thế nhưng lúc này câu nói “đường về nhà còn xa lắm” rất đúng với hoàn cảnh của anh Ân khi từ TP.HCM về quê anh chỉ dài hơn 100 km mà mấy tháng qua, anh vẫn chưa về được vì tuân thủ quy định.
Anh Ân cho hay anh có nhà ở Vĩnh Long, hai năm trước anh cùng vợ khăn gói lên TP này sinh sống. Lên TP, vợ chồng anh thuê một phòng trọ nhỏ và xin làm phụ xe khách kiếm tiền lo cho mẹ già, sinh con. Thế nhưng ba tháng nay xe khách ngưng chạy, vợ chồng anh chịu cảnh thất nghiệp.
“Làm dư không được bao nhiêu, vài tháng trước mẹ tôi lại bị tai biến nằm một chỗ, bao nhiêu tiền tôi để dành đều lo thuốc thang cho mẹ. Dịch bệnh, tôi không làm gì ra tiền nên đành gạt đi lòng tự trọng xin chủ nhà trọ cho nợ hai tháng tiền phòng. Khổ và nhục lắm chứ nhưng tôi đã vào bước đường cùng rồi. Điều tôi mong nhất lúc này là được về quê tránh dịch, lo cho mẹ. Nói thật, đến mức này có thể dịch bệnh sẽ không làm tôi chết mà tôi sẽ chết vì khốn khó và bị stress. Tôi không muốn là gánh nặng cho xã hội, tôi chỉ mong được về quê để tự lo cho mình”- anh Ân mong mỏi.
Anh Ân chia sẻ tiếp: “Hằng ngày tôi phải ngồi suốt trong phòng, đối diện với bốn bức tường chưa đầy 10 m2, ngoài đường vắng vẻ, tiếng còi cứu thương liên hồi, tôi cảm thấy mệt mỏi đến nỗi không thể thở nổi. Về quê dù không có tiền cũng thoải mái hơn, được hít thở không khí trong lành, trồng rau, nuôi cá làm được nhiều việc cho ích. Dịch như thế này thật không còn nơi nào bằng quê nhà mình cả. Tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ cho tôi được về quê. Về quê tôi sẽ tuân thủ các quy định cách ly phòng dịch của địa phương, dù quy định nào thì tôi cũng sẽ chấp hành tốt, miễn sao tôi được về quê trong lúc này là được”.
Cùng cảnh sống xa quê, anh Phan Thanh Tây (quê Bạc Liêu) ở trọ tại địa chỉ 55 đường số 9 khu phố 4, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức cũng ngày đêm mong mỏi được Nhà nước hỗ trợ về quê.
Anh Tây cho biết: Hơn một năm nay anh rời Bạc Liêu lên TP sinh sống. Lên đây, anh đi theo những công trình làm phụ hồ để có tiền gửi về quê lo cho gia đình. Hai tháng nay, công trình xây dựng nơi anh làm ngưng thế là anh thất nghiệp ròng rã.
“Tôi cũng nghĩ dịch bệnh đợt này cũng như đợt trước và TP.HCM chỉ phải giãn cách vài tuần thôi. Nào ngờ dịch đợt này kéo dài quá lâu, giờ tôi bị mắc kẹt trên này, không về quê được. Tôi cố gắng cầm cự được ngày nào hay ngày ấy. Thế nhưng thấy thông báo TP tiếp tục giãn cách thêm một tháng nữa, chắc tôi không thể trụ nổi nữa rồi. Xin hãy cho tôi về quê” - anh Tây mong mỏi.
Sống tạm dưới gầm cầu, chờ được về quê
Đã ba ngày hai đêm nay, cả gia đình anh Danh Đ (24 tuổi) và chị Nguyễn TH (26 tuổi, cùng quê Bạc Liêu) đã lấy gầm cầu vượt ngã tư Gò Mây (giáp ranh giữa phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) để làm nơi sinh sống do không thể về quê.
Anh Đ cho biết mình cùng vợ làm thợ hồ, ở trọ tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP.HCM). “Do dịch bệnh, ba tháng nay hai vợ chồng không có việc làm. Tiền cạn kiệt nên phải trả phòng trọ, tìm mọi cách về quê. Nhiều lần đăng ký nhưng không được nên tụi tui tính lội bộ về” - anh Đ nói.
Tuy nhiên, khi đi bộ đến khu vực chốt trên đường Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) thì hai vợ chồng bị chặn lại. “Các anh ở chốt nói không thể về được. Khi thấy chúng tôi có con nhỏ nên mấy anh cho cơm, nước và nói hãy đăng ký với phường để xem có chuyến xe nghĩa tình nào về quê thì theo về. Nhưng tôi đợi đã ba ngày nay mà không được” - chị H kể. NGUYỄN TÂN
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/xin-cho-toi-duoc-ve-que-vi-qua-stress-khong-tru-noi-1008878.html