Xin chữ – nét đẹp văn hóa ngày đầu xuân
BBK- Xin chữ là nét đẹp truyền thống, thể hiện tinh thần hiếu học mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ở Bắc Kạn, dù không phổ biến, phong tục này vẫn được nhiều bạn trẻ gìn giữ và trân trọng.
Mùng 4 Tết, chùa Thạch Long (xã Cao Kỳ, Chợ Mới) đón đông đảo người dân, du khách đến vãn cảnh, lễ Phật. Khuôn viên chùa có không gian văn hóa Tết truyền thống để du khách chụp ảnh, hòa mình vào nét đẹp xưa. Nổi bật là khu vực xin chữ đầu xuân, nơi sư thầy trao chữ thay cho hình ảnh ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên.
Sau khi thắp hương khấn Phật, vãn cảnh chùa, anh Nguyễn Văn Định (trú huyện Ngân Sơn) đưa con đến xin chữ “AN”.
Anh Định chia sẻ: “Năm mới tôi chẳng mong cầu gì nhiều, chỉ mong một chữ “AN” trong công việc, trong cuộc sống của bản thân và vợ con. Dù con trai mới 06 tuổi nhưng tôi muốn cháu biết đến phong tục đẹp của dân tộc để gìn giữ và phát huy”.
Gần trưa trời hửng nắng, anh Hoàng Đình Việt, quê Chợ Đồn đưa gia đình đến vãn cảnh chùa Thạch Long và tìm đến khu vực cho chữ như những xuân trước đó. Năm nay được sư thầy cho chữ “THÀNH” với ngụ ý mọi chuyện đều thành công, suôn sẻ. Anh Việt chia sẻ, ngoài ý nghĩa tâm linh, thì phong tục xin chữ còn gợi nhắc về truyền thống hiếu học của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Tục xin chữ, cho chữ bắt nguồn từ truyền thống hiếu học và trân trọng con chữ đẹp. Vào mỗi dịp xuân về, người dân xin chữ như một cách cầu chúc phúc lộc, may mắn, và thành công. Theo thời gian, phong tục này ngày càng phổ biến, với những lời chúc an lành, thịnh vượng, đỗ đạt và con cái đầy nhà được thể hiện qua những nét chữ tài hoa.
Vừa viết chữ, sư thầy Thích Khai Quảng vừa giới thiệu ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chữ xin về thường được chủ nhà treo ở những nơi trang trọng trong nhà. Không chỉ nhằm trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, mà còn thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn.
Sư thầy Thích Khai Quảng giải thích ý nghĩa của một số chữ thường được xin trong dịp đầu năm mới: Chữ “Lộc”: Biểu tượng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc, mong muốn một năm phát tài, phát lộc. Chữ “PHÚC”: Tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, thể hiện mong muốn có cuộc sống ấm no. Chữ “THỌ”: Mong muốn người trong gia đình được sống lâu trăm tuổi.
Chữ “TÂM”: Mong muốn con người tu dưỡng đạo đức, để có một tâm hồn thanh tịnh, yên bình và thanh thản. Chữ “ĐỨC”: Biểu tượng cho đạo đức của con người, luôn sống thực, sống tốt với chính bản thân mình và xã hội. Chữ “TÀI”: Mong muốn con người có được tài năng, hy vọng thành đạt ở trong công việc. Chữ “AN”: Mong muốn có cuộc sống an lành, bình an. Chữ “NHẪN”: Mong muốn có một bản tính nhẫn nhịn, độ lượng và khoan dung…
Ngày xuân đối với người Việt không chỉ là khởi đầu của năm mới mà còn là dịp để khởi động mọi sự mới mẻ. Trong không khí hân hoan này, mọi người đều mong muốn gia đình và bản thân có một năm mới tốt đẹp, đầy khởi sắc.
Cùng với tục khai bút đầu năm, tục xin chữ thể hiện truyền thống hiếu học và tôn vinh giá trị chữ nghĩa của dân tộc. Những câu đối, câu chúc viết bằng chữ Quốc ngữ mang những ước vọng, lời chúc tốt đẹp là món quà tinh thần ý nghĩa, vừa chào đón năm mới vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/xin-chu-net-dep-van-hoa-ngay-dau-xuan-post68988.html