'Xin đừng hiểu lầm; hút mỡ đâu phải phương pháp giảm cân'

Đó là chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ Châu Thanh Phong. Theo ông, 'hút mỡ để giảm cân' là hiểu lầm phổ biến khiến cho nhiều người nuôi hy vọng để rồi thất vọng.

Phẫu thuật hút mỡ được thực hiện trong phòng mổ vô trùng. Ảnh: NVCC

Phẫu thuật hút mỡ được thực hiện trong phòng mổ vô trùng. Ảnh: NVCC

Hút mỡ không giúp giảm cân nặng

“Hút mỡ” và “giảm cân” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về mục tiêu, quy trình lẫn kết quả. Thực tế, mục tiêu của việc “hút mỡ” là loại bỏ mỡ thừa ở những vùng cụ thể trên cơ thể như bụng, đùi, lưng… nhằm cải thiện vóc dáng và đường nét cơ thể. Điều này giúp giảm lượng mỡ cục bộ ở những vùng mình mong muốn, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tổng thể trọng lượng cơ thể. Kết quả của việc “giảm mỡ” sau khi hút có thể thấy ngay lập tức sau khi quá trình sưng sau phẫu thuật giảm đi.

Còn việc “giảm cân” là tập trung vào việc giảm trọng lượng tổng thể và điều này giúp cải thiện sức khỏe rất nhiều. Nếu “hút mỡ” là một hoạt động phẫu thuật xâm lấn giúp có kết quả thay đổi tức thì thì giảm cân là quá trình thay đổi lối sống, mang lại lợi ích lâu dài về sức khỏe, đặc biệt là giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến béo phì, như bệnh tim, tiểu đường và huyết áp cao.

Nhiều chị em đều hiểu việc giảm cân dù là phương pháp nào cũng hầu như tác động đến toàn bộ cơ thể và yêu cầu sự kiên trì trong việc thay đổi lối sống trong dài hạn.

 Bác sĩ Châu Thanh Phong tư vấn cho khách hàng. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Châu Thanh Phong tư vấn cho khách hàng. Ảnh: NVCC

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, khi mỡ được hút ra khỏi cơ thể thì cân nặng sẽ giảm. Thực tế, lượng mỡ hút ra trong một lần phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng cá nhân và phương pháp thực hiện. Nhưng theo các tiêu chuẩn an toàn trong Y khoa của Bộ Y tế, con số khuyến nghị không được vượt quá khoảng 5 lít - bao gồm cả chất lỏng và lượng mỡ hút ra, tương đương khoảng 4,5kg mỡ thô - nhằm kiểm soát những rủi ro và biến chứng. Lượng dịch và mỡ lấy ra thường nhỏ và thấp hơn so với tổng trọng lượng cơ thể, vì vậy không thể coi hút mỡ là một phương pháp giảm cân hiệu quả.

 Bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong đang trong một ca phẫu thuật hút mỡ. Ảnh: NVCC

Bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong đang trong một ca phẫu thuật hút mỡ. Ảnh: NVCC

Mục tiêu của hút mỡ là loại bỏ các túi mỡ thừa

Mục tiêu của việc “hút mỡ” là loại bỏ các túi mỡ thừa không thể tiêu giảm thông qua chế độ ăn uống hoặc luyện tập - đối với một số chị em muốn “siết body”, hoặc giảm một lượng mỡ thừa được “nuôi lớn” bởi chế độ ăn uống hoặc sau sinh, giúp cải thiện đường nét và tạo ra hình dáng cơ thể cân đối và hài hòa hơn. Sau phẫu thuật, nếu chị em duy trì lối sống lành mạnh thì kết quả thu được từ việc này có thể khá bền vững. Mỡ thừa đã được loại bỏ sẽ không tích tụ trở lại ở cùng vị trí, miễn là cân nặng được giữ ổn định.

Một lợi ích khác của việc hút mỡ là vấn đề “thời gian”, chị em có thể nhanh chóng lấy lại phom dáng và sự tự tin thoải mái khi diện trang phục hơn rất nhiều phương pháp luyện tập khác.

Dù hút mỡ không phải là phương pháp giảm cân nhưng việc giảm lượng mỡ thừa cũng có thể giúp giảm thiểu một số vấn đề sức khỏe liên quan đến mỡ thừa như các bệnh tim mạch, tiểu đường và huyết áp.

Ngoài ra còn có thêm một lợi ích khác là tối ưu hóa kết quả của một số dịch vụ thẩm mỹ liên quan, ví dụ như làm đẹp vòng 1 hoặc vòng 3. Nhiều chị em muốn “tái sử dụng” lượng mỡ hút ra để nâng ngực hoặc cấy vào hõm mông để có thể tạo ra một hình thể đẹp nhưng vẫn tự nhiên nhất.

 BS. Châu Thanh Phong tư vấn cho khách hàng. Ảnh: NVCC

BS. Châu Thanh Phong tư vấn cho khách hàng. Ảnh: NVCC

Lý do chị em quá béo không nên hút mỡ

Béo phì là tình trạng mỡ thừa tích tụ ở cơ thể với mức độ cao có thể gây hại cho sức khỏe. Một trong những cách đơn giản và phổ biến nhất để đo lường mức độ béo phì là thông qua công thức Chỉ số Khối cơ thể (BMI). Cụ thể, nếu BMI từ 25-29.9 thì được gọi là thừa cân và BMI từ 30 trở lên được cho là béo phì với 3 cấp độ khác nhau: Độ I (BMI từ 30-34.9), Độ II (từ 35-39.9), Độ III (từ 40 trở lên).

Thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức y tế khác coi béo phì là bệnh lý với nhiều yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh lý khác như tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, xương khớp… và cần phải dùng đến thuốc. Điều này khiến người béo phì có nguy cơ cao trong ca phẫu thuật (nếu thực hiện) và biến chứng sau phẫu thuật, bao gồm nhiễm trùng, sưng, hoặc các vấn đề liên quan đến quá trình phục hồi.

Ngoài ra, như đã nói, lượng mỡ an toàn có thể loại bỏ trong một lần phẫu thuật là giới hạn nên đây không thể là giải pháp phù hợp để giải quyết việc giảm mỡ cho người béo phì.

Với những khách hàng có mức BMI trên 30, bác sĩ sẽ khuyến khích họ thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện để có thể về ngưỡng BMI cho phép. Lúc đó, các chị em có thể tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ để cải thiện hình dáng cơ thể.

BS.CKI Châu Thanh Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xin-dung-hieu-lam-hut-mo-dau-phai-phuong-phap-giam-can-2286780.html