Xin hợp thức hóa 200 biệt thự 'xây chui', Cty Đại Hưng mạnh cỡ nào?
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, Đại Hưng chỉ báo lãi duy nhất một lần vào năm 2016.
Ngày 1/3, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên về đề nghị hướng dẫn hợp thức hóa dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden của CTCP Thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Đại Hưng).
Bộ Xây dựng cho biết, dự án đầu tư xây dựng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn. Việc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.
Bộ Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đối chiếu quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan để hướng dẫn Đại Hưng thực hiện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này theo đúng quy định pháp luật.
'Xây chui' hơn 200 biệt thự
Cuối tháng 2/2016, Đại Hưng được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy gạch ngói tuynel (nhà máy gạch Hưng Long) tại khu đất rộng 50.743 m2 trên địa bàn xã Phụng Công, huyện Văn Giang.
Khoảng 4 tháng sau, công ty này có văn bản xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất xây dựng nhà máy sang mục đích thực hiện dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden và được UBND tỉnh Hưng Yên đồng ý ngay sau đó.
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế (Sago Palm Garden) ký ngày 18/4/2018, khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích đất khoảng 60.317 m2.
Tháng 4/2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden và chỉ ra hàng loạt sai phạm.
Theo đó, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dù dự án mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, song Đại Hưng đã tự ý thực hiện phá dỡ toàn bộ các hạng mục của dự án nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng phần thô hơn 200 căn biệt thự, nhà phố và một phần hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông, …
Ngoài ra, Đại Hưng còn ký kết hàng chục hợp đồng hợp tác đầu tư, mua bán nhà với nhiều khách hàng. Số tiền thu về là hơn 244 tỉ đồng.
Tháng 5/2020, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định xử phạt hành chính Đại Hưng số tiền 42,5 triệu đồng. Trong đó, 35 triệu đồng do không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong quyết định chủ trương đầu tư và 7,5 triệu đồng do không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư.
Cty Đại Hưng của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Đại Hưng tiền thân là CTCP Vật liệu xây dựng Văn Giang, được thành lập vào tháng 4/2002, trụ sở chính đặt tại thôn Đầu, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Công Huy (SN 1990).
Tháng 2/2015, Đại Hưng có vốn điều lệ 25 tỉ đồng, danh sách cổ đông góp vốn gồm 8 cá nhân là: ông Phạm Bá Đại (nắm giữ 27,5% VĐL), ông Tường Duy Vinh (10%), bà Nguyễn Thị Thu (10%), bà Nguyễn Thị Chiến (20%), bà Nguyễn Thị Hải Yến (11,25%), bà Phạm Thị Xoa (10%), ông Ngô Văn Phương (3,75%), ông Phạm Anh Thủy (5%), ông Chu Thành Công (2,5%).
Một tháng sau đó, Đại Hưng nâng vốn điều lệ lên 30 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu lúc này không được công bố.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, Đại Hưng chỉ báo lãi duy nhất một lần vào năm 2016. Cụ thể, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 3,5 tỉ đồng, báo lãi thuần 1,2 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 34%.
Năm 2017 và 2018, Đại Hưng không phát sinh doanh thu, báo lỗ thuần lần lượt 1 tỉ đồng và 29,8 tỉ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của Đại Hưng đạt 76 triệu đồng, lỗ thuần ở mức 527 triệu đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Đại Hưng đạt 380,9 tỉ đồng - cao gấp 41,5 lần so với vốn chủ sở hữu.
Ông Phạm Bá Đại (SN 1983, cổ đông lớn nhất của Đại Hưng) cũng đang sở hữu một pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoàng Gia Phúc (Hoàng Gia Phúc).
Hoàng Gia Phúc được thành lập vào tháng 12/2013, vốn điều lệ ban đầu 15 tỉ đồng, trụ sở chính đặt tại thôn Thông Quan Hạ, thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, các năm gần đây, Hoàng Gia Phúc liên tục báo lỗ, chỉ tiêu doanh thu thuần dao động quanh mức 10 tỉ đồng. Gần nhất là năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 9,2 tỉ đồng, báo lỗ thuần 654 triệu đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Hoàng Gia Phúc đạt 29,4 tỉ đồng, tăng 42% so với hồi đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm 5,6% xuống còn 11,8 tỉ đồng./.