Xin lạy 3 lạy
Hôm nay xin được hầu chuyện về âm nhạc và biểu diễn. Thời chưa có công nghệ số thu âm sẵn, mọi sân khấu đều phải có dàn nhạc và hát thật thì những tai nạn quên lời là chuyện cơm bữa. Đến mức có những ca sĩ quên lời vẫn bình thản 'sáng tác' lời tại chỗ, miễn tiết mục trôi chảy như dòng sông lơ đãng.
Ứng tác tam sao thất bản, tới mức nhạc sĩ không nhận ra nổi tác phẩm của mình nữa. Ca khúc “Đất nước tình yêu” nổi tiếng của Lệ Giang được xuất hiện nhiều trên sóng truyền hình phát thanh là bản sai lời mà không ai biết. Tới hơn 40 năm sau, chương trình “Điều còn mãi” (2022), ca sĩ Phạm Thu Hà đã trình diễn lại tác phẩm này chính xác lời nguyên bản.
So sánh có sự khác biệt tưởng nhỏ mà không hề nhỏ: Lời đúng là “Mây xám bay chỉ còn ánh trăng ngà", chứ không phải lời truyền khẩu là “Mây giăng giăng bay chỉ còn ánh trăng mờ”; “Tình yêu mãi mãi ban đầu" chứ không phải “tình yêu mãi mãi mong chờ”; “Anh dẫn em đi ôn nhiều kỷ niệm”, không phải “Anh dắt em đi…”.
Gặp lại đứa con với hình hài nguyên bản, nhạc sĩ Lệ Giang viết lời cảm ơn tới chương trình cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi, ca sĩ Phạm Thu Hà có đoạn: “ca khúc đã được bay lên thật tuyệt vời đúng như lời nguyên thủy của nó! Tôi xúc động đến nghẹt thở”.
Dù sao thì Lệ Giang vẫn may mắn. Có nhiều bài hát mà tác giả không có cách nào đính chính nổi bởi người “sáng tạo lần 2” quá đông. Thậm chí có những ca sĩ sửa lời thản nhiên như hoàn thành thiên chức “làm mới”. Thí dụ bất chấp lời ca nam tính hay nữ tính, hễ là ca sĩ nữ thì đổi các vai trong bài như anh thành em. Tính chất của hình tượng nhân vật biến đổi tới mức lố bịch.
Thí dụ bài “Đi tìm câu hát lý thương nhau”, lời nguyên bản thì chàng trai tìm người con gái thoắt ẩn thắt hiện rất nữ tính dễ thương. Vậy mà khi ca sĩ nữ đổi lại thành: “Em ra vườn đào anh lại sang trồng mía. Em lên rừng quế anh lại đến nương dâu. Em đi tìm anh. Anh ở phương nào?... Em xuống đồng sâu anh lại lên ruộng cạn… Như ong tìm hoa... hoa nở phương nào?.
Chàng trai vạm vỡ nguyên bản đã trốn nhí nhảnh như thiếu nữ tuổi trăng rằm. Xin lạy ca sĩ 3 lạy.
Nhạc sĩ Trần Tiến chỉ biết ngao ngán khi câu hát của mình trong bài “Điệp khúc tình yêu” rằng: “Nhớ nụ hôn đầu tiên, anh CHƯA dành cho em” bị “méo” thành “Nhớ nụ hôn đầu tiên, anh KHÔNG dành cho em”.
Với các ca sĩ thế giới thì họ thường chỉ hát những bài tự sáng tác hoặc đặt nhạc sĩ sáng tác riêng thì họ có thể tập riêng cho chuyến lưu diễn tới nửa năm hoặc cả năm. Như vậy hát sai lời rất khó xảy ra, nhưng các ca sĩ của chúng ta thường hát đủ mọi dòng nhạc từ thính phòng chính ca tới pop, dân gian và cái gọi là bolero, nên cứ ới là có mặt, không thuộc lời thì khắc phục.
Các sự kiện như truyền hình trực tiếp, thành lập địa phương, thành lập ngành thì thường không đầu tư sâu về thời gian, các ca sĩ chỉ tham gia thời vụ ngắn hạn thì rất dễ quên lời. Một ca sĩ có thể tham gia hàng chục sự kiện xen kẽ trong một thời gian ngắn nên thuộc lời là tiêu chí tối thiểu thì có khi lại thành tối đa.
Họ bèn nghĩ mưu làm “phao”. Thí dụ viết lên bàn tay. Trước sàn sân khấu có những chiếc loa monitor (dành cho diễn viên nghe để căn giọng). Những ca sĩ quên lời và mưu trí bèn in lời ra chữ to như gà mái ghẹ trên giấy A3 rồi đính vào phía loa hướng về diễn viên (ngược với chiều khán giả) là có thể liếc qua rồi hát rất tự tin.
Với nhà tổ chức thì chưa thỏa mãn, họ muốn không có một lỗi gì nên nói chung các chương trình trực tiếp đều cho thu âm trước, chỉnh lý long lanh rồi chỉ việc nhép môi là xong. Có lần thấy một ca sĩ hát rất tự tin một ca khúc mới tinh vừa thu xong, người viết bài hỏi hát thật hay nhép? Ca sĩ bảo nhép chứ sao thuộc được, chỉ có 2 ngày vừa thu vừa diễn.
Khán giả tinh lắm, chỉ cần ca sĩ đóng mở khẩu hình hơi lệch là họ phát hiện ra nhép ngay. Với những bài có tiết tấu sôi nổi đều đặn thì thánh cũng không phát hiện ra. Nhưng nếu ở những đoạn dạo nhạc tự do mênh mông vô định thì dù có ghi âm rồi, ca sĩ cũng khó xác định đúng thời điểm mở khẩu, đóng khẩu để nhép. Nhưng các nghệ sĩ rất sẵn mẹo. Ở những đoạn vô định đó, ca sĩ sẽ quay lưng về phía khán giả, đi về trung tâm sân khấu tạo cảm giác thiêng liêng. Đấy là lúc ca sĩ đang căng tai chờ tiếng hát của chính mình vang lên. Sau đó nhép nối vào rồi quay ra phía khán giả với sự chính xác tuyệt đối.
Thời đại công nghệ số với phần ghi âm sẵn đã góp phần làm tan vỡ bao nhiêu dàn nhạc, đồng thời lôi nhiều giọng ca karaoke lên sân khấu chính thức. Tiếng hát trưởng thành từ phong trào karaoke thì biết rồi đấy, hát mà thiếu chữ trước mặt là không hát được. Khi không có màn hình thì nhạc và lời Iphone.
Những chương trình trực tiếp được thu âm sẵn vẫn tổ chức ầm ầm, miễn là hình thức long lanh. Mọi tai nạn bấm nhầm nhạc, rơi mic, tiếng hát vẫn oang oang, vẫn được chúng ta cho qua như không có gì xảy ra. Xin lạy bệnh hình thức 3 lạy. Chừng nào sự dễ dãi tồn tại thì “hàng giả” còn hoành hành phải không bà con.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/xin-lay-3-lay-i668551/