Xín Mần phát triển cây dược liệu thế mạnh

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi và tài nguyên rừng phong phú, những năm qua, huyện Xín Mần đã chỉ đạo tập trung phát triển các cây dược liệu thế mạnh của vùng, nhất là dược liệu dưới tán rừng.

Lãnh đạo huyện Xín Mần kiểm tra mô hình trồng Mướp đắng rừng tại xã Bản Ngò.

Lãnh đạo huyện Xín Mần kiểm tra mô hình trồng Mướp đắng rừng tại xã Bản Ngò.

Trên cơ sở đề án và các kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện đã ban hành phương án phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng phương án cụ thể, chủ động lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình 30a, 135 và chính sách theo Nghị quyết 209, 86 để đầu tư phát triển dược liệu. Bên cạnh đó, xây dựng, lập kế hoạch tập huấn kỹ thuật chăm sóc, trồng, thu hoạch, bảo quản dược liệu và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là cho các hộ, người lao động tham gia thực hiện chương trình phát triển dược liệu.

Hiện tại, cây dược liệu được huyện quy hoạch từng vùng cụ thể tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, với 2 cây dược liệu có diện tích trồng lớn là Thảo quả và quế. Tổng diện tích cây Thảo quả trên địa bàn toàn huyện có 3.500 ha, được trồng dưới tán rừng tự nhiên và dưới tán cây Tống quán sủ, tập trung ở các xã Nấm Dẩn, Nàn Xỉn, Xín Mần, Thu Tà... Trong đó, diện tích Thảo quả cho thu hoạch 1.525 ha, sản lượng quả tươi đạt 1.428 tấn, giá trị kinh tế ước đạt 20.920 triệu đồng. Còn đối với 3 xã phía Nam, gồm: Khuôn Lùng, Nà Chì và Quảng Nguyên chủ yếu phát triển mạnh về cây Quế với 850 ha, diện tích cho khai thác 207 ha. Ngoài ra, huyện cũng phát triển thêm một số cây dược liệu có quy mô từ 50 – 300 ha, như: Gừng, nghệ, Mướp đắng rừng, Sa nhân, Ý dĩ, Đương quy… Đến nay, toàn huyện thành lập được 43 nhóm sở thích trồng cây dược liệu với 1.325 hộ tham gia.

Để tạo đầu ra cho các sản phẩm, huyện tăng cường liên kết với doanh nghiệp thu mua dược liệu cho bà con. Hiện, trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp, HTX thu mua và chế biến cây dược liệu, gồm: Công ty TNHH Gia Long thu mua, chế biến gừng, sản phẩm có chất lượng tốt và HTX Nguyễn Huy Hồ Anh thu mua, sơ chế túi lọc và sấy khô sản phẩm từ Mướp đắng rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Bùi Minh Hiệu cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng thêm 1.000 ha Thảo quả, hơn 600 ha quế và từng bước chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con; đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP như: Mướp đắng rừng, Ý dĩ, gừng; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, từng bước làm thay đổi nhận thức, cách làm của người dân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong việc phát triển dược liệu. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển cây dược liệu. Đến nay, chương trình phát triển cây dược liệu gắn với giảm nghèo đã tạo việc làm thường xuyên cho 1.325 hộ, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201912/xin-man-phat-trien-cay-duoc-lieu-the-manh-753061/