Xín Mần phát triển vững chắc các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

BHG - Tận dụng tối đa lợi thế về khí hậu, đất đai cùng sự quan tâm đầu tư của chính quyền, trong năm qua, nông nghiệp huyện Xín Mần tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng, trở thành trụ cột kinh tế chính của địa phương. Nhiều chuỗi liên kết trong nông nghiệp đang phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cho Nhân dân, từ đó tạo nên bước tiến vững chắc cho thời gian tiếp theo.

Chương trình hành động số 15 của Huyện ủy Xín Mần và nhiều nghị quyết khác của huyện đã đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Nhờ đặt mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên lợi thế địa hình và khí hậu đặc thù, Xín Mần tạo nên nhiều chuỗi giá trị đối với các sản phẩm như chè Shan tuyết, cây dược liệu, lúa đặc sản, và chăn nuôi lợn đen, dê... Năm 2024, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cho Nhân dân. Từ đó, thúc đẩy ngành Nông nghiệp của huyện đạt được những kết quả ấn tượng, với sản lượng lương thực: Lúa đạt gần 24 nghìn tấn, ngô đạt gần 20 nghìn tấn.

Người dân xã Xín Mần thu hoạch củ cải để xuất khẩu.

Người dân xã Xín Mần thu hoạch củ cải để xuất khẩu.

Tính đến cuối năm 2024, huyện Xín Mần xuất khẩu 165 tấn nông sản, bao gồm củ cải muối, củ kiệu và củ gừng muối. Đây là chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm được thực hiện từ năm 2022 giữa UBND huyện Xín Mần với Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Bắc Kạn). Hiện tại đang được đánh giá là chuỗi liên kết phát triển mạnh và mang lại hiệu quả nhiều nhất cho người dân. Tại vùng nguyên liệu củ cải xuất khẩu ở xã biên giới Xín Mần, người dân đang tất bật thu hoạch củ cải liên kết với công ty. Chính sự liên kết này đã hình thành nên HTX Xín Mần gắn kết với 14 hộ dân thành viên trên địa bàn xã. Ông Hoàng Văn Mơi, thôn Xín Mần cho biết: Thời điểm này, thành viên HTX đang khẩn trương thu hoạch củ cải để bán cho công ty TNHH Việt Nam Misaki. Đây là vụ thu hoạch thứ 2 trong năm 2024, nhờ thời tiết thuận lợi nên củ cải phát triển tốt, củ to đều, mẫu mã đẹp hơn vụ trước, sản lượng cũng tăng lên. Vùng nguyên liệu của HTX có 7 ha, thu về sản lượng gần 400 tấn củ cải, thu nhập trung bình mỗi gia đình từ 70 - 120 triệu đồng/vụ.

Tại khu vực đèo Gió (xã Nấm Dẩn) với khí hậu và nguồn nước thuận lợi, thích hợp với mô hình nuôi cá nước lạnh. Tận dụng lợi thế đó, huyện đã cho chủ trương phát triển các chuỗi liên kết nuôi cá Tầm với nhiều hộ dân tham gia. HTX nuôi trồng Nông, lâm, thủy sản Đại An thành lập năm 2023 với 10 hộ dân ở thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn. Năm 2023, HTX triển khai dự án liên kết với quy mô 16.800 con cá nước lạnh và tổ chức tập huấn 2 lớp kỹ thuật nuôi cá nước lạnh theo hướng an toàn sinh học cho các hộ dân tham gia dự án. Năm 2024 - 2025 hỗ trợ tiêu thụ 16.800 con cá nước lạnh, đồng thời xây dựng 1 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm cá Hồi tươi đóng khay, làm ruốc cá Tầm. Anh Ly Seo Lìn, thành viên HTX nuôi trồng Nông, lâm, thủy sản Đại An cho biết: Trước đây, số diện tích đất nương dưới chân Đèo Gió của gia đình dùng để trồng lúa 1 vụ, cuối năm 2023 gia đình tham gia HTX và cải tạo thành 3 bể nuôi cá Tầm. Hiện trong bể có khoảng hơn 600 con cá, trọng lượng mỗi con gần 3 kg và chuẩn bị xuất bán. Khi đến thời điểm thu hoạch, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua và tiêu thụ.

Bên cạnh 2 chuỗi liên kết hiệu quả nổi bật, huyện Xín Mần vẫn duy trì các chuỗi giá trị như chè Shan tuyết (1.704 ha), cây dược liệu (350 ha) và rau củ (65 ha) cung cấp sản phẩm cho thị trường. Đối với chè Shan tuyết, với tổng diện tích 1.704 ha, trong đó 1.494 ha đang cho sản phẩm, năng suất đạt 41 tạ/ha. Các HTX như Tuấn Băng (xã Nà Chì) và Thịnh Hưng (xã Thu Tà) đã tham gia kết nối chuỗi liên kết, bảo đảm bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm chè Shan tuyết không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn tạo ấn tượng mạnh ở thị trường trong nước nhờ việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.

Nông nghiệp Xín Mần đang đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Kế hoạch năm 2025 đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng chăn nuôi lên 44%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53% và giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân đạt 60 triệu đồng/ha. Với mục tiêu, định hướng phát triển rõ ràng, sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tạo nên các chuỗi liên kết bền vững, không bị “đứt gãy”, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn mang lại nguồn thu nhập cho Nhân dân.

Bài, ảnh: VĂN LONG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202501/xin-man-phat-trien-vung-chac-cac-chuoi-lien-ket-trong-san-xuat-nong-nghiep-98844a6/