Xin ngành đừng im lặng!
Những ngày này, khi diễn biến dịch CoVid-19 ngày càng phức tạp, mối quan tâm hàng đầu của cả triệu triệu phụ huynh là câu chuyện: liệu có nên đưa trẻ trở lại trường thì thật ngạc nhiên, ngành giáo dục lại im lặng một cách khó hiểu. Đáp án cho câu hỏi đang được 'chuyền' tới các địa phương.
Từ 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại Việt Nam.
Công bố này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có nghĩa dịch có thể lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Cần nhớ, Việt Nam cũng chưa công bố dịch khi xảy ra SARS năm 2002.
Phó Thủ tướng: "Chưa nên cho đi học trở lại nếu phụ huynh, học sinh chưa an tâm" - Ảnh minh họa.
Thế nên, dù Chính phủ, ngành y tế và các cơ quan chức năng địa phương có nhiều giải pháp trấn an, nhưng việc Chính phủ phải công bố dịch, cộng với liên tiếp xuất hiện trường hợp nhiễm virus corona tại nhiều tỉnh/thành phố đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, phụ huynh trên cả nước kêu gọi đóng cửa trường.
Ngay trong chiều 1/2, khi dư luận đang chờ một quyết định quyết đoán từ Bộ GD&ĐT, thì cơ quan này lại phát hành công văn gửi Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo.
Theo công văn, Bộ GD&ĐT đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố là địa phương do Thủ tướng công bố dịch cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và học sinh tiểu học, trung học tạm thời nghỉ học từ ngày 3/2/2020 đến khi có thông báo của cấp có thẩm quyền. Đối với các tỉnh/thành phố chưa công bố dịch, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố quyết định việc nghỉ học của học sinh trên cơ sở tham mưu đề xuất của sở GD&ĐT và sở Y tế.
Thực tế, trước khi "chuyền bóng" sang cho Thủ tướng, Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, ban hành Kế hoạch về phòng, chống dịch trong toàn ngành, thiết lập hệ thống thông tin thường xuyên với lãnh đạo của 63 sở GD&ĐT để trao đổi thông tin,… Nhưng sự thiếu chủ động, quyết liệt, quyết đoán của cơ quan này ít nhiều khiến các địa phương lúng túng, có tỉnh đóng cửa trường - tỉnh thì không, nơi sớm - nơi muộn. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, phụ huynh mất niềm tin, hoang mang không dứt.
Rồi tới nay, 14/2, cả nước đã có 17 tỉnh/thành phố quyết định cho học sinh đi học trở lại vào 17/2. Nhưng khi dịch có nguy cơ bùng phát tại Vĩnh Phúc, một xã bị "phong tỏa" vì có nhiều người nhiễm nCoV, thì việc để những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" trở lại trường tiếp tục khiến nhiều phụ huynh lo sợ. Họ gọi tên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Thật may, Chính phủ mới đây lại "cứu một bàn thua trông thấy" cho Bộ GD&ĐT. Theo đó, sáng 14/2, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch nCoV với các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Ngày 11/2, tôi đã yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại. Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”.
“Chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa cho đi học trở lại ngay. An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Đức Đam, việc cho học sinh nghỉ học tiếp chắc chắn có gây xáo trộn, trở ngại cho ngành giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của phụ huynh, của xã hội. Tuy nhiên, những điều đó không thể so được với sức khỏe, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân.
Lúc này, khi Vĩnh Phúc tiếp tục cho học sinh nghỉ học, nhiều địa phương vẫn chưa có kế hoạch mở lại cổng trường, thì việc 17 tỉnh/thành phố cho học sinh đi học trở lại vào 17/2 chưa thể mang sự yên tâm, tin tưởng cho những người làm cha làm mẹ.
Và dù như đại diện Bộ GD&ĐT đã phân trần, rằng "các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm"; "UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ - Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm", thì nó vẫn cho thấy sự thiếu hụt quyết liệt, quyết đoán, tâm thế đặt an toàn sức khỏe của học sinh, an tâm của phụ huynh lên trước nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT - cơ quan chuyên môn cao nhất đang quản lý, kiểm soát các chương trình dạy và học ở các cấp học hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh lịch học, cắt giảm chương trình, tổ chức học bù,… và đề xuất cho học sinh nghỉ học, thay vì phó mặc cho Chính phủ và các địa phương - những cơ quan không có chuyên môn sâu.
Nếu Bộ vẫn im lặng, thì người dân sẽ khó mà tin khẩu hiệu "lấy người học làm trung tâm" của ngành giáo dục, chưa nói tới sự nhân văn, khai phóng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xin-nganh-dung-im-lang-post73620.html