Xin nghỉ phép nhưng vẫn làm việc

Số liệu cho thấy có đến 54% nhân viên rất khó khăn để tận hưởng kỳ nghỉ một cách trọn vẹn. Bằng cả lý do khách quan và chủ quan, họ không thể rời công việc.

PTO (Paid Time Off) - nghỉ phép có lương - là quyền của người lao động và trách nhiệm của phía sử dụng lao động. Trong thời gian này, nhân viên được nghỉ nhưng hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

Tuy vậy, nhiều nhân sự cho rằng khó có thể nghỉ ngơi đúng nghĩa theo luật, theo CNBC,

Đầu năm, nền tảng đánh giá doanh nghiệp ẩn danh Glassdoor (Mỹ) đặt một câu hỏi cho 20.297 người: "Trong PTO, bạn có nghỉ ngơi thực sự?".

Kết quả, 54% người tham gia đã trả lời: "Không".

Ngoài ra, cũng theo cuộc khảo sát, khả năng dứt công việc khỏi PTO tùy thuộc vào độ tuổi và nghề nghiệp của mỗi người. Theo đó, người trẻ từ 21 đến 25 tuổi vẫn có thể dễ dàng nghỉ ngơi, chỉ có 47% trong số họ khó có thể ngừng làm việc.

Tuy nhiên, có đến 65% người từ độ tuổi 45 trở lên lại luôn tất bật trong ngày nghỉ phép. Họ là thế hệ đã có chỗ đứng trong công ty, vì thế cần chịu trách nhiệm nhiều hơn.

Giáo viên là nghề gặp nhiều khó khăn nhất khi 73% người được hỏi rằng không thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ của mình.

Đứng thứ hai là nghề luật sư với tỷ lệ 71%. Tiếp theo là các chuyên gia lĩnh vực kế toán (59%), tài chính (55%) và tư vấn viên (51%).

Trong khi đó, 56% những nhân viên thuộc khối ngành công nghệ hoặc chăm sóc sức khỏe lại khá dễ dàng, thoải mái trong kỳ nghỉ của mình.

Một số lý do chính khiến nhân sự không thể "rút phích cắm" khỏi công việc, bao gồm:

- Văn hóa làm việc độc hại

- Chế độ PTO không đầy đủ hoặc không rõ ràng

- Chưa hoàn thành công việc đang làm

- Sợ ảnh hưởng tới thăng tiến trong sự nghiệp.

Nhiều người khó lòng tận hưởng ngày nghỉ phép do còn việc tồn đọng hoặc chế độ PTO không rõ ràng. Ảnh minh họa: Pexels.

Nhiều người khó lòng tận hưởng ngày nghỉ phép do còn việc tồn đọng hoặc chế độ PTO không rõ ràng. Ảnh minh họa: Pexels.

Richard Johnson, chuyên gia kinh tế của Glassdoor, cho rằng các nhà tuyển dụng khó có thể giữ chân nhân viên nếu không cho phép họ hưởng PTO một cách trọn vẹn.

"Người sử dụng lao động cần phải biết khuyến khích nhân viên tận hưởng kỳ nghỉ và ngừng làm việc trong PTO. Nếu không, họ sẽ có nguy cơ đánh mất nhân tài vào tay các đối thủ cạnh tranh - nơi có phúc lợi tốt hơn. Đồng thời, họ cũng nên nhận ra rằng chính sách PTO không chỉ giúp mình cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng mà còn hỗ trợ để nhân viên của mình không bị kiệt sức", ông nói.

Đối với nhân viên, Johnson khuyên những "con ong chăm chỉ" hãy có kế hoạch để nghỉ phép thoải mái. Họ không nên vội vàng đâm đầu vào công việc, chỉ nên dành năng lượng làm việc vào ngày hành chính.

Còn theo Priti Joshi, phó chủ tịch của Bumble, một cách dễ dàng để nghỉ phép là hãy tìm một người tin cậy để bàn giao công việc.

"Nhiều người nghỉ ngơi nhưng vẫn lo sợ những nhiệm vụ phát sinh khẩn cấp tại nơi làm việc. Thậm chí, một số cắt ngang ngày nghỉ để quay trở lại công việc. Trước khi nghỉ, hãy tìm một cộng sự hoặc cấp quản lý giúp mình chịu trách nhiệm cho những vấn đề đó", ông cho hay.

 Để ngày nghỉ phép trọn vẹn, nhân viên cần có kế hoạch từ trước. Ảnh minh họa: Armin Rimoldi/Pexels.

Để ngày nghỉ phép trọn vẹn, nhân viên cần có kế hoạch từ trước. Ảnh minh họa: Armin Rimoldi/Pexels.

Nghỉ phép là quyền lợi chính đáng của mỗi người. Và để có được một kỳ nghỉ thoải mái, thư giãn hoàn toàn và không làm ảnh hưởng đến công việc chung, mỗi nhân sự nên sắp xếp công việc hợp lý, rõ ràng trước khi lên đường, theo CBS News.

Đầu tiên, hãy chuẩn bị cho kỳ nghỉ trước ít nhất 3 tuần, báo cáo với sếp từ sớm để có sự chuẩn bị, thay thế nhân sự.

Thứ hai, nới deadline tránh xa ngày nghỉ. Trước khi nghỉ, bạn nên dành thời gian xem qua các đầu việc đang đảm nhiệm. Nếu việc nào có thời hạn trước ngày nghỉ phép dự định, hãy ưu tiên hoàn thành.

Thứ ba, bàn giao, trao đổi công việc với đồng nghiệp và khách hàng. Một trong những điều thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đi làm là biết sắp xếp để sự vắng mặt của mình không ảnh hưởng đến công việc chung.

Và cuối cùng, hãy giữ liên lạc với đồng nghiệp khi cần thiết. Nên hiểu rằng dù muốn dù không, bạn vẫn luôn có một công việc ở nhà với nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời. Vì vậy, bạn nên cho đồng nghiệp biết cách thức liên lạc phòng khi có chuyện khẩn cấp.

Nếu sắp xếp hợp lý, có sự trao đổi với người liên quan và ưu tiên cho chất lượng chuyến đi, bạn hoàn toàn có thể có những phút nghỉ ngơi của riêng mình.

Hoàng Vân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xin-nghi-phep-nhung-van-lam-viec-post1346019.html