Xin thay thế cao su bị chết sang cây trồng khác

Liên quan đến Dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, mới đây UBND tỉnh Gia Lai có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép được chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang các dự án khác. Cụ thể, tỉnh Gia Lai xin được chuyển đổi hơn 16.000 héc-ta cao su (trong đó có 12 héc-ta đã được Bộ NN&PTNT kiểm kê và hơn 4.000 héc-ta mới phát sinh) bị chết, kém phát triển sang cây trồng khác.

Trả lời kiến nghị này, Bộ NN&PTNT cho biết, việc chuyển đổi cao su sang cây trồng khác ngoài lâm nghiệp phải tuân theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Nếu chuyển mục đích sử dụng rừng trồng thì phải trồng rừng thay thế bằng một diện tích tương đương; đối với rừng tự nhiên phải trồng rừng thay thế bằng 3 lần diện tích chuyển đổi.

Trước đó, để thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 - 2011, tỉnh Gia Lai đã cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án ở các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Pưh, Đức Cơ và Ia Pa. Các doanh nghiệp đã trồng được hơn 25.500 héc-ta cao su trên diện tích rừng nghèo được chuyển đổi. Sau hơn 10 năm thực hiện dự án, đa số cao su còi cọc, kém phát triển, bị chết và cháy.

Kết quả kiểm kê mới nhất, đối với dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đến nay diện tích cao su sinh trưởng bình thường hơn 9.000 héc-ta, diện tích cao su kém phát triển hơn 14.000 héc-ta, diện tích cao su bị chết gần 2.500 héc-ta. Cây cao su trong dự án bị chết, nguyên nhân là do đất đai thổ nhưỡng không phù hợp. Ở rừng khộp, tầng đất canh tác có độ sâu khoảng 50cm, chỉ đủ điều kiện để rễ cọc cao su phát triển trong 2 - 3 năm đầu, đến những năm sau không phát triển được hoặc chết.

Cao su trong dự án "chết đứng"

Cao su trong dự án "chết đứng"

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích cao su chết và kém phát triển, tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 năm triển khai vẫn chưa có mô hình chuyển đổi nào được đánh giá là thành công và phù hợp để có thể nhân rộng trên địa bàn.

Cây cao su chết, đất bỏ hoang

Cây cao su chết, đất bỏ hoang

Như Chuyên đề Công an TPHCM (số ra ngày 29/7) đã thông tin, năm 2018, tỉnh Gia Lai thực hiện Dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Diện tích chuyển đổi sang trồng cao su hơn 32.000 héc-ta (trong đó đất có rừng tự nhiên hơn 29.000 héc-ta, đất chưa có rừng hơn 3.000 héc-ta) tại 6 huyện. Thế nhưng đến nay hơn 16.000 héc-ta cao su bị chết, kém phát triển. Số cây cao su được trồng hơn 10 năm nhưng chỉ to bằng... bắp tay. Một số diện tích cao su khác bị cháy khô, đất đang bỏ hoang trong nhiều năm.

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/xin-thay-the-cao-su-bi-chet-sang-cay-trong-khac_165606.html