Xóa bỏ định kiến 'Con gái không nên học Công nghệ thông tin'
Nguyễn Huyền My, 26 tuổi, thừa nhận ngành học Công nghệ thông tin khó, đòi hỏi nhiều sáng tạo, tư duy logic.
"Con gái không nên học Công nghệ thông tin", "Tôi có nên cho con gái học Công nghệ thông tin không?", "Con gái làm Công nghệ sẽ vất vả". Những câu nói như vậy xuất hiện rất nhiều và cũng là thắc mắc của không ít phụ huynh, thí sinh mỗi đợt tuyển sinh.
Trong 6 năm làm việc trong ngành công nghệ và khởi nghiệp, Nguyễn Huyền My, 26 tuổi, nhà đồng sáng lập dự án xã hội SheCodes, cũng không ít lần đối mặt với định kiến con gái không thể hoặc không nên học Công nghệ thông tin.
Cô gái trẻ có suy nghĩ ngược lại và đang nỗ lực để khuyến khích, hỗ trợ nữ giới tham gia, phát triển trong lĩnh vực vốn được cho rằng nam giới chiếm đa số.
Nỗi sợ hãi hình thành từ định kiến xã hội
Huyền My từng học Kinh tế. Hai mươi năm đầu đời, cô thậm chí không có khái niệm về lập trình, xây dựng website hay ứng dụng. Cô gái trẻ từng trải qua nhiều công việc trước khi "phải lòng" với công nghệ.
Bước chân vào lĩnh vực này, Huyền My thừa nhận nó khó, đòi hỏi nhiều sáng tạo, tư duy logic. Trong khi đó, có nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng về mặt này phái mạnh có lợi thế hơn do phái mạnh sẽ có xu hướng phát triển tư duy bộ não tốt hơn.
Tuy nhiên, Huyền My luôn tin tưởng tư duy logic hoàn toàn có thể rèn luyện được. Do đó, việc chọn theo Công nghệ thông tin hay không không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi mà ở chính bản thân mỗi người. Thực tế, không ít người thành đạt, nắm giữ vai trò trọng yếu trong các công ty công nghệ là nữ giới.
Huyền My nói thêm Công nghệ thông tin không chỉ có lập trình, tính toán mà còn có nhiều vị trí khác nhau để tạo ra sản phẩm, tìm thị trường, nhân rộng mô hình. Thị trường lao động cũng rộng mở với nhiều cơ hội làm việc. Điều quan trọng là năng lực, không phải giới tính.
Dù vậy, những năm gần đây, tỷ lệ nữ giới làm việc trong ngành Công nghệ thông tin tăng nhưng không đáng kể, chỉ chiếm dưới 20% nhân sự, đối với nhóm lập trình, con số càng thấp hơn, chỉ 6-7%.
Theo Nguyễn Huyền My, rào cản lớn nhất lại nằm ở nỗi sợ hãi trong chính bản thân các bạn nữ. Nỗi sợ này hình thành, gia tăng qua nhiều năm, nhiều thế hệ.
Những định kiến xã hội, tác động của môi trường xung quanh khiến phái nữ trở lên dễ dàng an toàn, chấp nhận và ngại ngùng thu về vùng không gian thoải mái của mình. Phụ huynh thường không muốn con vất vẻ nên định hướng con theo những ngành nghề gia đình có thế mạnh.
Đương nhiên, cô thừa nhận việc chọn công việc an nhàn không sai, chỉ là nó khiến "thời điểm vàng" của phái nữ trôi qua nhạt nhòa.
"18-25 tuổi là thời điểm rất nhiều các bạn nữ định hướng nghề nghiệp, học tập, tạo dựng mạng lưới, tư duy và thành công. Nhưng vì những điều các bạn luôn được nhắc nhở từ rất sớm mà quên đi câu chuyện sống đúng bản thân mình, thử thách và phát triển dù có năng lực và tiềm năng rất lớn", Huyền My tâm sự.
Nỗi sợ hãi của các nữ sinh còn xuất phát từ việc thiếu cơ hội tiếp xúc với ngành, đặc biệt ở thời kỳ trước. Thậm chí hiện tại, ở các khu vực nông thôn, nhiều học sinh khi đứng trước lựa chọn đăng ký xét tuyển vẫn chưa hiểu về ngành học và chịu ảnh hưởng từ các định kiến như "con gái không nên học Công nghệ thông tin".
Khó khăn còn xuất phát từ tâm lý nhà tuyển dụng với tâm lý cho rằng phái nữ có nhiều mối bận tâm, ràng buộc trong quá trình thai sản, chăm sóc con cái. Vậy nên, một số nhà tuyển dụng sẽ là ưu tiên nam giới khi 2 ứng viên có năng lực ngang nhau cho cùng một vị trí.
Tuy nhiên, sau 6 năm làm việc liên quan đến công nghệ, 3 năm gắn bó với dự án, Nguyễn Huyền My nhận thấy nữ giới có rất nhiều ưu điểm nổi trội để có thể thành công trong lĩnh vực này.
Cô cho rằng thay vì lo lắng về những rào cản, mọi người nên nhìn nhận nữ giới có lợi thế về sự nữ tính, khéo léo, mềm mại cùng khả năng lắng nghe, thấu cảm - những yếu tố mà giúp phái nữ có thể làm việc tốt với khách hàng, thấu hiểu người dùng cuối hay dẫn dắt đội nhóm.
"Khả năng lãnh đạo sẽ tuyệt vời hơn nữa khi phái nữ kết hợp được thế mạnh nữ tính, mềm mỏng của mình cùng xu hướng quyết liệt, mạnh mẽ của nam giới để phát triển sản phẩm nhanh chóng và đạt được những bước đi vững chắc", Huyền My nhận định.
Vì những bạn nữ yêu thích công nghệ
Những năm gần đây, quan niệm nữ giới học tập, làm việc trong ngành Công nghệ thông tin dần thay đổi. Nhiều phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong các công ty công nghệ. Nhà tuyển dụng bỏ qua yếu tố giới khi lựa chọn ứng viên. Không ít nữ sinh lựa chọn theo học ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, thậm chí tập tành lập trình từ thời phổ thông.
Những thay đổi đó dần tự trả lời cho câu hỏi "Con gái có nên học Công nghệ thông tin không?" dù theo lời Huyền My, quan điểm cũ chưa thể phai nhạt trong một sớm một chiều.
Giữa những băn khoăn về việc thực sự có lực lượng nữ giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin với năng lực giỏi hay không, Huyền My cùng cộng sự thành lập dự án xã hội khuyến khích, hỗ trợ nữ giới tham gia vào lĩnh vực này.
Ở thời điểm đó, khi mỗi lớp đại học ngành này có hàng chục người nhưng số nữ sinh chưa đến một bàn tay, họ không dám nghĩ đến việc trong vòng 3 năm có thể thu hút đến 10.000 người tham gia.
Họ từng lo các cuộc thi lập trình sẽ vắng các "bóng hồng", đến nay, mỗi cuộc thi đã có đến 300-400 bạn nữ tham gia. Điều đó cho thấy vẫn có rất nhiều bạn nữ yêu thích công nghệ.
Ba năm qua, Huyền My tiếp xúc và có nhiều kỷ niệm với nhiều nữ sinh, cả cấp phổ thông lẫn đại học.
Cô từng gặp hai mẹ con khăn gói từ tỉnh xuống Hà Nội dự thi lập trình Hackathon năm 2020. Cô con gái học lớp 11 ở tỉnh xa, điều kiện thông tin hạn chế, phần lớn mọi người vẫn tin ngành công nghệ quá khó khăn và khắc nghiệt với phái nữ.
Dù vậy, em vẫn muốn tham gia cuộc thi lập trình. 4h30, hai mẹ con bắt xe để đến kịp giờ. 36 tiếng tiếp đó, con gái say mê lập trình trong khi mẹ cũng ăn cùng ngủ, theo dõi con theo đuổi đam mê.
"Khoảnh khắc nghe cô ấy chia sẻ, tôi rất xúc động. Lúc đó, tôi càng thêm tin tưởng vào con đường mình đã chọn, vào nỗ lực tạo ra các chương trình, hoạt động để nữ giới phá bỏ các rào cản cá nhân và xã hội để can trường dấn thân vào lĩnh vực công nghệ", Nguyễn Huyền My tâm sự.