Xóa bỏ định kiến giới để xây dựng bình đẳng giới thực chất

Mặc dù bình đẳng giới có Luật quy định rõ ràng, nhưng dường như Luật sẽ không đủ để thay đổi thực chất vấn đề của bình đẳng giới. Xã hội đã thay đổi nhiều, phụ nữ đã phát huy vai trò mạnh mẽ hơn, được quan tâm nhiều hơn… Liệu như thế đã là một xã hội đang thực hiện bình đẳng giới thực chất?

Chúng ta đã thực sự bình đẳng giới?

Phụ nữ có thể chơi các môn thể thao là ưu thế của nam giới như: đá bóng, đánh golf. Phụ nữ có thể làm các công việc được coi là của nam giới: kỹ sư cầu đường, cơ trưởng. Và phụ nữ hoàn toàn có thể vào quán bia hơi cùng bạn bè, có thể cụng ly thoải mái. Còn nam giới? Nam giới có thể làm thầy giáo nuôi dạy trẻ, có thể may vá thêu thùa giỏi và nấu ăn rất ngon...

Đó liệu đã là những điều khẳng định nam nữ chúng ta đang bình quyền về cơ hội và thụ hưởng? Phải chăng phụ nữ đã thấy thỏa mãn và đàn ông thì cũng thừa nhận bình đẳng giới?

Các cô gái với môn thể thao vua. Ảnh: Đại Nghĩa

Xét về đa số, chúng ta đang tiến tới thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới nhưng có lẽ khoảng cách ấy vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Không ít đàn ông Việt Nam trưởng thành đặt câu hỏi: Tại sao phụ nữ có những 2 ngày kỷ niệm giới để nhận hoa, nhận quà và những lời chúc mừng. Còn đàn ông có ngày 19/11 là ngày hơn 170 quốc gia tôn vinh những đóng góp tích cực của nam giới với gia đình, xã hội và thế giới, vậy mà Ngày Quốc tế đàn ông lại chỉ là một ngày như bao ngày khác, hiếm lắm mới có chị em nói những lời chúc mừng với đàn ông vào ngày này? Câu hỏi này tưởng đùa, vì đàn ông thường ít để bụng những chuyện này, nhưng cũng là một câu hỏi đáng suy ngẫm với chúng ta.

Anh Nguyễn H. (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm tư: " Ngày của chị em, đàn ông gõ mỏi tay gửi lời chúc, ngày của đàn ông mà không thấy chị em phụ nữ gửi lời chúc". Anh H. còn hài hước nói chờ từ sáng đến giờ, càng chờ càng mất hút, không một lời chúc nào, thế mới chán.

Đáp lời anh H., một tài khoản Facebook trả lời:" Vậy thay mặt đàn ông chúng ta, tôi chúc cánh đàn ông nhân dịp ngày hội lớn của mình nhưng phụ nữ không hưởng ứng này – một ngày vui, khỏe và có ích!".

Những tâm tư trên dù chỉ là những câu nói có chút hài hước, nhưng đằng sau nó là điều mà chúng ta nên suy ngẫm, liệu chúng ta đã thực sự bình đẳng với giới còn lại?

Luật Bình đẳng giới quy định như thế nào?

Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội; Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ.

Nhiều nghiên cứu, phân tích đã chứng minh "muốn thay đổi tình trạng bình đẳng giới cần phải thay đổi các vấn đề liên quan đến đặc điểm giới mà không phải là thay đổi các đặc điểm giới tính" (PGS.TS Lê Thị Thục). Điều đó có nghĩa là phải thay đổi quan niệm về vị trí, vai trò của nữ giới và nam giới, chứ không phải thay đổi chức năng sinh học như việc mang thai và sinh con là đặc điểm giới tính của phụ nữ. Trên thực tế, những cảm xúc vui sướng, hạnh phúc, buồn rầu, thất vọng, chán nản… khi sinh con có giới tính không như mong đợi lại là do yếu tố giới gây ra.

Do đó, thực hiện được bình đẳng giới tức là không có phân biệt, đối xử trên cơ sở giới tính. Nam giới và nữ giới có quyền ngang nhau, trách nhiệm xã hội, tiếp cận các cơ hội ngang nhau và đương nhiên mức thụ hưởng thành quả sẽ như nhau.

Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều kiểu quan niệm về bình đẳng giới, trong đó có ba kiểu chính là:

- Bình đẳng giới kiểu hình thức là quan niệm coi nam và nữ là như nhau mà không căn cứ vào sự khác biệt sinh học và sự khác biệt do xã hội quy định. Quan niệm này cho rằng nếu phụ nữ có thể tiếp cận các cơ hội giống như nam giới thì việc đối xử với nam, nữ cũng không khác biệt. Kiểu quan niệm bình đẳng giới kiểu hình thức sẽ gây áp lực cho nữ giới, áp dụng các quy định, cách thể hiện giống như nam giới.

- Bình đẳng giới kiểu bảo vệ chú ý tới sự khác biệt giữa nam và nữ, từ đó xem xét các điểm yếu của nữ giới để tạo ra sự đối xử khác biệt với nam giới, tạo ra những vỏ bọc để bảo vệ, che chắn phụ nữ, ví dụ có những chính sách dành riêng cho nữ giới. Có những biện pháp áp dụng theo kiểu bình đẳng giới kiểu bảo vệ có thể phát huy tác dụng vì phụ nữ, quyền lợi của phụ nữ.

Nhưng xét toàn diện thì quan niệm này có thể cản trở quyền tự do lựa chọn của phụ nữ, phụ nữ có thể bị mất đi rất nhiều cơ hội phát triển và không góp phần thực chất vào thu hẹp bất bình đẳng giới.

- Bình đẳng giới kiểu thực chất là quan niệm mà ở đó nhận rõ sự khác biệt giữa nam với nữ và sự khác biệt do lịch sử để lại. Quan niệm này chú ý đến bình đẳng trong pháp luật và bình đẳng trong thực tế, tạo cơ hội và hưởng thụ cho nam và nữ bình đẳng. Nếu áp dụng quan niệm bình đẳng giới kiểu thực chất, kết quả sẽ rất tích cực. Bản thân, con người sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau, bất kể ai cũng có quyền bình đẳng và lẽ đương nhiên, con trái hay con gái phải được đối xử như nhau trong gia đình, xã hội cũng cần tạo cơ hội ngang bằng nhau cho nam và nữ. Từ đó con gái hay con trai sẽ được ưa thích như nhau, được tôn trọng như nhau.

Thay đổi quan niệm và ứng xử xã hội về giới

Mặc dù Luật quy định hướng tới sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ giới nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn đang thực hiện một cách chủ yếu bình đẳng giới kiểu hình thức và bình đẳng giới kiểu bảo vệ. Luật chỉ mang sức mạnh cứng còn muốn thay đổi được, thu hẹp được khoảng cách, phá bỏ định kiến giới để tiến tới bình đẳng giới, chúng ta phải kiên trì trên một sức mạnh mềm, thay đổi được tư tưởng đã ăn sâu vào gốc rễ truyền thống của rất nhiều gia đình Việt Nam.

Sức mạnh mềm ấy là gì? Con người sinh ra chỉ khác nhau về đặc điểm sinh học nhưng bình đẳng ngang nhau. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận thức, hình thành tư tưởng cho mỗi cá nhân. Trước tiên đó là giáo dục trong gia đình, xóa bỏ định kiến giới, con trai hay con gái cũng cần được đối xử như nhau, không thể nhất định đòi hỏi con trai phải mạnh mẽ, con gái phải dịu dàng. Còn bố mẹ khi về già có thể ở với con nào mình thấy vui vẻ, hạnh phúc, được chăm sóc tận tình chứ không phải mặc định, bố mẹ phải ở với vợ chồng con trai. Chính những thành kiến từ trong nhiều gia đình đã tạo thành "quy ước" bất thành văn, thành quy tắc ứng xử của đông đảo xã hội.

Về phía xã hội, các đoàn thể tổ chức, cũng cần phải có những tiêu chí cụ thể, hạn chế ít nhất sự thiên vị mang tính bảo vệ phụ nữ. Phải thừa nhận, sẽ cực kỳ khó khăn để có bình đẳng giới tuyệt đối vì dù sao vẫn có những đặc điểm sinh học chi phối hành vi, tính cách giới nhưng xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận về giới một cách thực chất nhất: bình đẳng trước pháp luật, trong thực tế, tạo cơ hội ngang nhau và thụ hưởng ngang nhau.

Khi mà cách ứng xử xã hội thay đổi đối với giới thì có thể góp phần phá bỏ được định kiến giới, mọi quy định bất thành văn trong lịch sử sẽ thay đổi theo chiều hướng phù hợp, ví dụ như cha mẹ mất đi con gái vẫn có thể thờ tự nếu không có con trai. Xóa bỏ dần tư tưởng, định kiến giới hãy bắt đầu từ việc đừng hỏi thăm người thân, người quen của bạn sinh con trai hay con gái, mà hãy bắt đầu bằng lời chúc sức khỏe. Khi các cặp vợ chồng không bị áp lực bởi việc sinh con trai hay con gái thì việc tác động đến giới tính thai nhi sẽ được hạn chế, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Về mất cân bằng giới tính khi sinh:

Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104 – 106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của quốc gia.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy: SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay là bằng chứng về mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta. Cụ thể, SRB năm 2019 giảm so với 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). SRB của khu vực thành thị là 110,8 bé trai/100 bé gái thấp hơn so với nông thôn là 111,8 bé trai/100 bé gái.

SRB của các vùng cũng có sự chênh lệch đáng kể: SRB cao nhất là ở đồng bằng sông Hồng với 115,5 bé trai/100 bé gái và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long với 106,9 bé trai/100 bé gái. Sự chênh lệch của SRB giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc Đồng bằng sông Hồng cũng cao nhất cả nước. SRB của Trung du và miền núi phía Bắc năm 2019 là 114,2 bé trai/100 bé gái cao hơn so với năm 2009 (108,5 bé trai/100 bé gái). SRB của đồng bằng sông Hồng năm 2009 là 115,3 bé trai/100 bé gái, tăng nhẹ lên 115,5 bé trai/100 bé gái năm 2019.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khánh Ly

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//xoa-bo-dinh-kien-gioi-de-xay-dung-binh-dang-gioi-thuc-chat-169211124142544044.htm