Xóa bỏ mọi 'rào cản' bảo đảm giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Việt Nam đang xảy ra tình trạng điện mua cao bán thấp khi giá thành điện cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%.

Nguồn điện giá rẻ giảm trong khi nguồn điện giá đắt tăng cao

Chia sẻ tại Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết việc tính toán giá điện thực hiện theo Quyết định 5 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của EVN và quá trình kiểm tra cho thấy, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỉ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình thế giới và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi.

Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương (Ảnh: VGP).

Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương (Ảnh: VGP).

"Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%. Ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao", Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực chỉ rõ.

Trong bối cảnh này, theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn.

Theo phân tích của ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề điện không chỉ nằm ở giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng.

"Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối", ông Hiếu thẳng thắn chỉ rõ.

Theo vị Đại biểu Quốc hội này, trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp.

"Về mặt lâu dài, câu chuyện này cần giải quyết một cách triệt để", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường

Chia sẻ về những bất cập này, dưới góc nhìn của một chuyên gia về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng giá bán không bù đắp được chi phí thì gây ra nhiều hệ lụy.

Dẫn ra số liệu cụ thể, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành điện là 2.088 đồng/kWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/kWh.

"Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện", chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.

Thực tế này theo ông Thỏa, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện, cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.Vị chuyên gia này cũng cho biết số liệu kiểm tra rất khách quan, minh bạch. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết những bất cập này.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (bên trái) tại buổi Tọa đàm (Ảnh: VGP).

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (bên trái) tại buổi Tọa đàm (Ảnh: VGP).

Ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu rõ: "Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Vấn đề nữa là phải xóa bỏ mọi "rào cản" để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường".

Chính phủ đã có quy định căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu %.

Về chủ trương điều hành, để giải quyết các bất cập, theo ông Thỏa phải bám vào các quy định của pháp luật hiện hành.

"Nguyên tắc tối thượng của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ", ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh

Vị chuyên gia về giá này cho rằng, nếu chúng ta làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Thu hút đầu tư để phát triển nguồn lưới điện cũng thuận lợi hơn.

Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xoa-bo-moi-rao-can-bao-dam-gia-dien-minh-bach-theo-co-che-thi-truong-204241011112851815.htm