Xóa bỏ mọi rào cản phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển
Ba việc cần thực hiện nhanh, hiệu quả
Sáng 13/1, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết.
Theo Thủ tướng, trong kỷ nguyên mới, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn chặt với chuyển đổi số, đây là sự gắn bó khách quan, yêu cầu tất yếu. Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển đổi số là kết nối, con người là trung tâm, là chủ thể.
Những tư tưởng này thể hiện rất rõ Nghị quyết 57. Để thực hiện Nghị quyết 57, có 3 việc rất quan trọng phải thực hiện nhanh, hiệu quả: Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh; cùng các điều kiện khác và bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ.
Đây là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý Nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
"Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Khát vọng này là có cơ sở, trên nền tảng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Xóa bỏ mọi rào cản cản trở phát triển
Thủ tướng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 57 được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện với tinh thần "5 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.
Trong chương trình hành động, Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; Xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (với 28 nhiệm vụ cụ thể).
Thủ tướng cho rằng đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới", tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Song song đó là các nhóm nhiệm vụ như tăng cường đầu tư hạ tầng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao; ứng dụng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh…
Có địa phương không coi trọng, bố trí vốn thấp cho khoa học công nghệ
Phát biểu về chủ trương, giải pháp liên quan tới thể chế pháp luật để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 luật liên quan đến nội dung này.
Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, đồng thời trong đó có những luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát...
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có hạn chế cơ bản như thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng.
Cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ chưa kịp thời. Việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội.
Dành nhiều thời gian để phân tích về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra ví dụ tổng kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp.
Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả; chi đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này có xu hướng giảm; trong giai đoạn 2016-2023 giảm từ 1,29% (năm 2016) xuống còn 0,8% (năm 2023).
Theo ông, một trong những nguyên nhân là do các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa xây dựng nhiệm vụ đáp ứng đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn. Có địa phương không bố trí vốn hoặc có những địa phương bố trí rất thấp cho lĩnh vực này.
Hay như việc hằng năm, kinh phí phân bổ đa số các bộ, ngành trung ương và các địa phương không giải ngân hết. Một trong những nguyên nhân là quy trình, thủ tục còn rườm rà.
Việc xây dựng đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ phải thực hiện theo kế hoạch có từ trước, đến khi được phê duyệt thì tính cấp thiết không còn hoặc khi được cấp ngân sách thực hiện thì đơn giá đã thay đổi nhiều, dẫn đến triển khai chậm, chi không hết, thiếu hiệu quả.
Đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh
Nêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Quản lý theo kết quả, cần loại bỏ cơ chế xin cho và bao cấp, đổi mới phân bổ ngân sách dựa trên kết quả đầu ra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới, sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; nghiên cứu, quy định phù hợp về cơ chế thí điểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; nghiên cứu quy định miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hơn nữa, ông nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức về nhiệm vụ "đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh", trong đó đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; thể hiện rõ ràng mức độ khuyến khích, ưu đãi vượt trội; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, ổn định, công khai, minh bạch, đơn giản, thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ.